Doanh nghiệp chung tay hành động vì khí hậu

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry (G.Ke-ri) thông báo, các nỗ lực chống biến đổi khí hậu đang thu hút sự tham gia của ngày càng nhiều quốc gia và doanh nghiệp, với việc thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công nghệ môi trường. Sự phối hợp hành động của chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường sống là chìa khóa để xây dựng một tương lai bền vững, lành mạnh của toàn cầu.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ mới để ứng phó biến đổi khí hậu. (Ảnh REUTERS)

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ mới để ứng phó biến đổi khí hậu. (Ảnh REUTERS)

Phát biểu với báo giới trong khuôn khổ Hội nghị hằng năm lần thứ 52 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry nhấn mạnh, các quốc gia và doanh nghiệp đã tích cực tham gia một nhóm có tên là Liên minh những người tiên phong. Số thành viên của nhóm này tăng vọt từ 35 công ty ban đầu lên đến 55 doanh nghiệp hiện nay. Trong số các tập đoàn lớn mới gia nhập, có FedEx và Ford. Đặc phái viên của Mỹ cũng cho biết, liên minh này thu hút sự tham gia của các quốc gia như Anh, Italia, Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy, Singapore…. Liên minh nói trên được thành lập với mục tiêu thúc đẩy đầu tư vào những công nghệ mới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mới đây, người đứng đầu nhóm Doanh nghiệp vận động hành lang (B7) cũng kêu gọi Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cần nỗ lực hơn nữa trong bảo vệ khí hậu toàn cầu. Chủ tịch nhóm B7 Siegfried Russwurm nhấn mạnh, B7 ủng hộ ý tưởng về một câu lạc bộ khí hậu cởi mở và tham vọng; đồng thời kêu gọi các nước G7 nhanh chóng nhất trí về một kế hoạch thúc đẩy các nền kinh tế giảm thiểu lượng phát thải CO2, cũng như xây dựng các năng lực vận tải và hạ tầng liên quan.

Biến đổi khí hậu đang là mối lo ngại lớn, thường xuyên được đề cập tại các diễn đàn kinh tế-xã hội trên thế giới. Việc các tập đoàn, doanh nghiệp chung tay tháo gỡ những khó khăn liên quan đến biến đổi khí hậu cho thấy vai trò, trách nhiệm và đạo đức doanh nghiệp trong các vấn đề chung toàn cầu. Mới đây, tổ chức nghiên cứu InfluenceMap có trụ sở tại Anh công bố báo cáo nhận định rằng, một số công ty dầu khí trên thế giới đã lợi dụng những lo ngại về nguồn cung năng lượng do tác động từ tình hình căng thẳng ở Ukraine để thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch, phớt lờ các quy định về chống biến đổi khí hậu. Theo đó, các công ty dầu khí này liên tục kêu gọi chính phủ áp dụng chính sách tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt, bất chấp thực tế là hoạt động này sẽ gây ra tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, sự gia tăng nhiệt độ liên quan đến biến đổi khí hậu có thể tác động lớn đến năng suất toàn cầu trong tương lai và gây thiệt hại về kinh tế, nhất là ở các nước nghèo. Dự kiến, tổng thiệt hại do sự suy giảm năng suất nêu trên sẽ là khoảng 2.400 tỷ USD mỗi năm. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) gần đây cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức nhân đạo và khu vực tư nhân có những hành động khẩn cấp để phát triển các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp đỡ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương trên thế giới.

Hội nghị hằng năm lần thứ 52 của WEF diễn ra tại Thụy Sĩ chủ yếu xoay quanh vấn đề thúc đẩy hành động công-tư để thực hiện các mục tiêu quan trọng về khí hậu vào năm 2030 và năm 2050. Sự đồng hành của các doanh nghiệp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có nguy cơ làm trì hoãn những chiến dịch hành động vì khí hậu.

HUYỀN TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/doanh-nghiep-chung-tay-hanh-dong-vi-khi-hau-699835/