Doanh nghiệp chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động ứng dụng AI
Trạng thái bị động, ngại thay đổi là rào cản khiến doanh nghiệp chậm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, xu hướng ứng dụng AI không thể đảo ngược, các doanh nghiệp đã bước đầu 'vượt qua chính mình'.
Ngày 15-7, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức Hội nghị trí tuệ nhân tạo thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề “Khai phá sức mạnh trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn - Chìa khóa hướng đến phát triển bền vững”.

Hội nghị quy tụ nhiều diễn giả đến từ các doanh nghiệp hàng đầu, mang đến góc nhìn đa chiều và kinh nghiệm thực tiễn. Ảnh: Ánh Tuyết
Tại hội nghị, ông Rakesh Dayal, Giám đốc điều hành Ipsos Vietnam, chia sẻ một dữ liệu thú vị: 87% người Việt cảm thấy vui vẻ, khá hài lòng và Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số phấn khích về AI lớn. 70% người dùng tin rằng, các công ty sẽ bảo vệ dữ liệu cá nhân và 60% nghĩ rằng AI mang lại trải nghiệm tốt hơn. Đặc biệt, 59% người Việt đồng ý rằng, họ muốn học kỹ năng mới nếu không muốn AI thay thế vị trí của mình trong công việc, cho thấy sự chủ động và thích nghi cao.
Tuy nhiên, việc triển khai AI cũng đối mặt với không ít thách thức. Ông Trương Thành Đạt, thành viên Ban công nghệ và phát triển bền vững (Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam) chỉ ra rằng, 74% công ty gặp khó khăn trong triển khai AI do nhiều lý do, như: Thiếu kỹ năng và kiến thức, quy trình sản xuất chưa sẵn sàng, thiếu tầm nhìn chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đủ mạnh và chi phí đầu tư cao. Ngoài ra, một số mô hình AI chưa đủ chính xác cũng là một rào cản.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết
Còn ông Huỳnh Lê Tấn Tài, Founder & CEO Kyanon Digital nhấn mạnh, doanh nghiệp đang “ngập trong dữ liệu nhưng vẫn “đói” thông tin” vì dữ liệu còn rời rạc và thiếu phân tích. Ông Tài ví von: “Dữ liệu là vàng nhưng đào vàng không phải dễ”. Ngoài ra, tâm lý e ngại thay đổi, hay còn gọi là “sự kháng cự” của doanh nghiệp khi triển khai AI, là một khó khăn đáng kể.
Để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, biến từ thế bị động sang chủ động trong việc ứng dụng AI, các diễn giả đã đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm: Đào tạo nhân lực số, hợp tác quốc tế và có chính sách hỗ trợ; sự kiên nhẫn và cam kết của các doanh nghiệp; xây dựng nền tảng dữ liệu và đổi mới sáng tạo mở. Trong đó, đổi mới sáng tạo mở được dự đoán là giải pháp quan trọng và cốt yếu.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO của BambuUP đưa ra số liệu đáng báo động rằng, 64% doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị cho chuyển đổi xanh. Thế nên, chương trình đã đưa ra 120 suất học bổng đào tạo chiến lược chuyển đổi xanh do ITPC tài trợ, giúp doanh nghiệp sẵn sàng cho một tương lai xanh và bền vững.
Theo bà Quỳnh, việc chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn, mà là bắt buộc để phát triển; trong chuyển đổi xanh, AI đóng vai trò quan trọng.
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh, những thay đổi lớn về cơ cấu và sắp xếp đơn vị hành chính đang mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
“Việt Nam đang có cơ hội lớn để kết hợp AI và Big Data trong chiến lược phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cần sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và các tổ chức nghiên cứu để hiện thực hóa tiềm năng này”, bà Hồ Thị Quyên khẳng định.

Đại biểu tham quan triển lãm “Giải pháp AI và công nghệ chuyển đổi xanh” bên lề hội nghị. Ảnh: Nhật Vy
Trong khuôn khổ hội nghị, khách tham dự còn được tham quan triển lãm “Giải pháp AI và công nghệ chuyển đổi xanh” với nhiều công nghệ hiện đại.