Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thể làm chủ công nghệ khó
Ngành cơ khí Việt Nam từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển.
Ngày 9/12, diễn ra Tọa đàm với chủ đề: Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí do Tạp chí Công Thương tổ chức.
Doanh nghiệp tự chủ công nghệ, có cả dây chuyền chế tạo ô tô
Phát biểu tại tọa đàm, TS Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho biết, hiện nay, thị trường cơ khí trong nước có những chuyển biến rất tốt về cả lượng và chất.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, với việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển doanh nghiệp gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế, thị trường cơ khí trong nước có những chuyển biến tốt cả về lượng và chất.
Đơn cử như lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, từ trước đến nay các dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy hầu hết là do các đơn vị nước ngoài như Honda, Toyota, Hyundai... đảm nhận. Tuy nhiên, từ năm 2012, từ việc tập trung đào tạo nhân lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các đơn vị của Nhật, Hàn Quốc, viện đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ô tô.
“Điển hình vừa rồi chúng ta cũng đã thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của VinFast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành, góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3...Đây là một thành công và thể hiện được rằng người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được những công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài" - TS Phan Đăng Phong nói và thông tin thêm, hay như trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới thì chúng tôi cũng đã thành công trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời.
“Dự án đầu tiên mà chúng tôi ứng dụng là dự án điện mặt trời Đa Mi với công suất là 47,5 MW. Đó là dự án đầu tiên mà Việt Nam thực hiện. Sau đó tiếp tục ứng dụng ở dự án Tầm Bó và Gia Hoét”- Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí chia sẻ.
Hoặc ứng dụng cải tiến và lắp ráp toàn bộ hệ thống tự động hóa bao gồm từ khâu sản xuất đến khâu bốc dỡ, vận chuyển hàng cho Công ty CP Bột giặt Lix thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Rồi lĩnh vực thủy điện, Việt Nam đã rất thành công thiết kế chế tạo toàn bộ phần thiết bị, cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/CP-CN và Quyết định số 400/CP-CN của Thủ tướng Chính phủ, trong đó các doanh nghiệp trong nước đã hoàn toàn tự lực, tự cường từ khâu thiết kế đến khâu gia công, chế tạo đến khâu thực hiện các dịch vụ kỹ thuật. Cụ thể các dự án thủy điện Sơn La 2.400 MW, dự án thủy điện Lai Châu là 1.200 MW góp phần đưa dự án thủy điện Sơn La vào vận hành sớm 3 năm; thủy điện Lai Châu vận hành sớm 1 năm.
Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cũng nhìn nhận, tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận đa số tập trung các khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp FDI, bởi thế nên các doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực Hà Nội đa phần là phát triển ngành phụ trợ, cung cấp phụ tùng cho ngành điện tử, máy in… của các hãng như Canon, Samsung hoặc LG…
Cần thêm “trợ lực” cho doanh nghiệp cơ khí
Ông Cao Văn Hùng - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty Cơ khí chính xác Smart Việt Nam bày tỏ, những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng chuyển dịch từ các thị trường quốc tế. Đặc biệt là các công ty muốn rút khỏi Trung Quốc và để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển dịch sang Việt Nam.
Thực tế tại Smart Việt Nam, doanh thu năm nay tăng từ 260-280% nhờ vào nhu cầu tăng đột biến của các khách hàng đối với sản phẩm cơ khí. Trong đó, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ cho việc bán hàng, nghiên cứu và phát triển, song vẫn cần chính sách nhà nước hỗ trợ cho đầu tư máy móc, thiết bị hiện dại, giảm giá thành cạnh tranh...
Mặc dù ngành cơ khí đã có những điểm sáng, tuy nhiên, theo TS. Phan Đăng Phong, việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ.
Ví dụ các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu… chúng ta mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị. Nguyên nhân bởi chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp "sếu đầu đàn" để sở hữu công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói.
TS. Phan Đăng Phong nêu cụ thể, hiện nay, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2025, hiện Viện Nghiên cứu Cơ khí được giao nhiệm vụ xây dựng đề án để phát triển thiết bị cơ khí điện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa theo Quy hoạch điện VIII. Trong đó, có rất nhiều thiết bị của nhà máy điện có thể xem xét để nội địa hóa. Như vậy, điều cần nhất của doanh nghiệp cơ khí hiện nay là Nhà nước hỗ trợ bảo vệ thị trường, đặc biệt là những thị trường có dung lượng lớn như ngành đường sắt đô thị, đường sắt nội đô, và các nhà máy điện khí đầu tư trong thời gian tới hay là các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất nguyên vật liệu…
Ngoài ra, TS. Phan Đăng Phong cũng cho rằng, hiện nay Bộ Công Thương đang xem xét để rà soát Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. “Theo đó các doanh nghiệp cơ khí trong nước nên có những đề xuất với Bộ Công Thương để có sự hiệu chỉnh bao gồm cả các sản phẩm cơ khí trọng điểm để khi Quy hoạch ra đời, thực sự đi vào cuộc sống có thể ứng dụng được ngay, tránh những vướng mắc trong quá trình thực hiện”- Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí nêu ý kiến.
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để chúng ta tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định… thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.