Doanh nghiệp dân tộc trong hành trình Việt Nam hùng cường

Gần 40 năm gây dựng và đi lên từ mô hình hợp tác xã cấp tỉnh, 15 năm gia nhập lĩnh vực hạ tầng giao thông, Tập đoàn Đèo Cả ghi dấu ấn của mình bằng việc hoàn thành nhiều dự án dọc khắp Bắc Nam, 'vạn sự khởi đầu nan' bằng công trình hầm đặc biệt xuyên đèo Cả.

Tập đoàn Đèo Cả ghi dấu ấn của mình bằng việc hoàn thành nhiều dự án dọc khắp Bắc Nam, "vạn sự khởi đầu nan" bằng công trình hầm đặc biệt xuyên đèo Cả.

Tập đoàn Đèo Cả ghi dấu ấn của mình bằng việc hoàn thành nhiều dự án dọc khắp Bắc Nam, "vạn sự khởi đầu nan" bằng công trình hầm đặc biệt xuyên đèo Cả.

Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vừa chọn được liên danh nhà đầu tư. Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục trúng thầu, nhận trọng trách nhà đầu tư dự án này.

Tuy nhiên, cũng như những lần thực hiện hầm Đèo Cả, Hải Vân 2, Trung Lương – Mỹ Thuận hay khi "giải cứu" Bắc Giang – Lạng Sơn, đâu đó vẫn có những hoài nghi về năng lực và tự lực. Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả một lần nữa khẳng định: "Hoài nghi sẽ là điểm tựa để chúng tôi trưởng thành, kết quả sẽ là câu trả lời xác đáng nhất".

Vậy, Đèo Cả có những gì khi bắt tay vào làm cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng?

Khát vọng để dấn thân, hoài nghi là động lực

Gần 40 năm gây dựng và đi lên từ mô hình hợp tác xã cấp tỉnh, 15 năm gia nhập lĩnh vực hạ tầng giao thông, Tập đoàn Đèo Cả ghi dấu ấn của mình bằng việc hoàn thành nhiều dự án dọc khắp Bắc Nam, "vạn sự khởi đầu nan" bằng công trình hầm đặc biệt xuyên đèo Cả. Nhớ lại thời điểm ông Hồ Minh Hoàng cùng các cộng sự đề xuất dự án này, Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng chia sẻ, ông không khỏi ngạc nhiên khi một thanh niên chạc 30 tuổi, từ Phú Yên ra Hà Nội, bước vào phòng làm việc của Bộ trưởng, tự tin bày tỏ khát vọng cháy bỏng làm hầm Đèo Cả.

Nhưng số người đặt niềm tin không nhiều, thậm chí cho rằng khát vọng có con đường xuyên dãy Đại Lãnh là "khùng". Thế rồi 4,2 km hầm Đèo Cả - công trình giao thông xuyên núi phức tạp, quy mô lớn đầu tiên do người Việt thực hiện đã hoàn thành trước nhiều sự ngỡ ngàng. Gần 7 năm qua, hầm Đèo Cả phục vụ hơn 13 triệu lượt xe qua hầm an toàn, thông suốt.

Sau chuỗi hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, họ tiếp tục dấn thân vào hai dự án đang ở tình cảnh "chết lâm sàng" do nhà đầu tư cũ năng lực yếu kém, vướng vào lao lý là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận. Vượt qua những nghi ngờ, vượt qua nghịch cảnh một dự án BOT cho đến khi hoàn thành vẫn không có vốn Nhà nước góp, cung đường dài 64km đẹp như dải lụa trải giữa núi rừng Đông Bắc chỉ sau 2 năm "thần tốc" - cho đến nay vẫn là kỷ lục làm đường cao tốc ở Việt Nam!

Vào Trung Lương - Mỹ Thuận, có trong tay Đèo Cả là loạt "nhà đầu tư 0 đồng", là chỉ 10% tổng khối lượng được làm sau 9 năm triển khai. Đại dịch hoành hành, "nạn" xâm nhập mặn… đều được Tập đoàn Đèo Cả bằng phương pháp quản trị khoa học để linh hoạt ứng phó, đưa 90% phần việc còn lại về đích vượt tiến độ, sau chỉ 3 năm.

Sau này, trả lời cho câu "Tại sao không chờ tham gia các dự án mới thay vì nhận lại các dự án đã bị nhà đầu tư cũ buông bỏ?", đại diện Đèo Cả chia sẻ: "Chúng tôi làm dự án khó để góp năng lực, uy tín và trách nhiệm cho đất nước. Việc dễ thì cũng sẽ không đến lượt mình". Nói đi phải nói lại, dự án khó như vậy, có lẽ, mới chỉ thấy có Đèo Cả dám lao vào.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh đầu tư vừa được khởi công ngày 01/01/2024. Nhưng mối duyên với Cao Bằng đã "bén" từ 2018, khi lãnh đạo tỉnh này mời Đèo Cả lên khảo sát lại một dự án cao tốc cần thiết nhưng nhiều năm vẫn nằm trên giấy.

Tập đoàn Đèo Cả nhận định, nhìn từ lợi ích kinh tế - xã hội, cho người dân, địa phương này cần phải có con đường khác thuận lợi hơn, đồng thời, khẳng định việc triển khai Đồng Đăng - Trà Lĩnh còn là trách nhiệm của người con đất Việt tri ân mảnh đất cội nguồn cách mạng.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính về các hạng mục điểm nhấn của cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại lễ khởi công dự án ngày 1/1/2024

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính về các hạng mục điểm nhấn của cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại lễ khởi công dự án ngày 1/1/2024

Bản lĩnh vượt khó

Nhiều công trình tầm vóc đã hoàn thành, nhiều dự án lớn vẫn tiếp tục được đảm trách. Nhưng để đạt được thành tựu và sự tin tưởng ấy là nhiều thách thức phải vượt qua.

Tại dự án hầm đường bộ qua đèo Cả, nhà đầu tư tiết giảm được 4.225 tỷ đồng, tương đương 28% tổng vốn đầu tư dự án bằng việc cho khảo sát lại hướng tuyến tránh những đứt gãy, chồng lấn của địa hình, rút ngắn chiều dài gần 1km. Không là dự án BOT giao thông đầu tiên nhưng đây được đánh giá là mô hình kiểu mẫu, minh chứng bởi 7 đợt thanh kiểm tra của Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước đều chỉ ra quá trình thực hiện dự án tuân thủ pháp luật, tiến độ rút ngắn, chất lượng đảm bảo, tổng vốn tiết giảm.

Cam Lâm - Vĩnh Hảo do Đèo Cả đứng đầu liên danh nhà đầu tư, là dự án cuối cùng trong 3 dự án PPP thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 ký hợp đồng PPP, nhưng thu xếp vốn xong đầu tiên bởi sáng tạo mô hình PPP+ để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Đèo Cả còn đưa phương án tiết giảm 891 tỷ đồng (tương đương 10% TMĐT) bằng việc nghiên cứu sản xuất vật liệu từ nguồn đá đào hầm, tận dụng máy móc thiết bị đã khấu hao, điều nguồn lực thi công từ các dự án đã hoàn thành. Dịch bệnh, bão giá vật liệu, địa chất yếu… lần lượt được nhà đầu tư khắc phục bằng sáng tạo, linh hoạt trong thi công. Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành và hòa mình vào huyết mạch giao thông quốc gia vào cuối tháng 4/2024.

Trước khi Đèo Cả đến với Đồng Đăng – Trà Lĩnh, có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm hiểu, nhưng đều nhanh chóng rời đi. Bằng kinh nghiệm làm những dự án phức tạp trước đó, Đèo Cả đề xuất điều chỉnh hướng tuyến, rút ngắn 23km chiều dài, giảm tổng mức đầu tư xuống còn gần 23.000 tỷ đồng (hơn 50% so với phương án ban đầu), đồng thời, đưa phương án phân kỳ đầu tư với 14.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1, sáng tạo mô hình PPP++ tăng nguồn vốn huy động, tối ưu quản trị. Dự án đang được thi công, quyết tâm thông tuyến vào đầu năm 2026.

Để đảm bảo hiệu quả xuyên suốt, Tập đoàn Đèo Cả thiết lập hệ thống kiểm soát với ba tuyến phòng thủ tiền kiểm - hậu kiểm - phúc kiểm tại các văn phòng, công trường. Ngoài đội ngũ cán bộ an ninh chuyên nghiệp và hệ thống camera hiện đại kiểm soát toàn diện 24/7, Đèo Cả xem những phản ánh của người dân sinh sống quanh khu vực dự án là một kênh giám sát các công việc thi công. Mọi hoạt động trong tổ chức cần phải được minh bạch để tối ưu lợi ích.

Tốc độ phát triển của Tập đoàn Đèo Cả có thể nhìn thấy trực quan bằng khối lượng công việc ngày một lớn, đòi hỏi trình độ quản trị điều hành cao hơn, bộ máy nhân lực các cấp phải được củng cố cả về lượng và chất. Doanh nghiệp này đi tìm lời giải cho "bài toán" nhân lực bằng việc chú trọng tuyển dụng, đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng kiến thức… Xác định "tri thức tạo giá trị" và mỗi công trường là một thao trường để rèn giũa nâng cao năng lực "thực chiến" cho CBCNV.

Đầu năm 2023, 30 cán bộ chủ chốt của Đèo Cả đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Đầu năm 2023, 30 cán bộ chủ chốt của Đèo Cả đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Đầu năm 2023, 30 cán bộ chủ chốt của Đèo Cả đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp phối hợp với Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM thành lập Viện Nghiên cứu đào tạo, phối hợp với Trường ĐH Đông Á chuẩn bị thành lập Viện Đào tạo thực hành. Họ hợp tác với nhiều đơn vị để triển khai đào tạo chuyên ngành trên cơ sở lý thuyết hàn lâm xen thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, tăng cường đào tạo ngành đường sắt để "đón đầu" mục tiêu phát triển hạ tầng đường sắt trong nước.

Họ sở hữu cho riêng mình một Trung tâm Huấn luyện thực hành. Họ khác biệt khi trong cơ cấu tổ chức có một Hội đồng Cố vấn là các chuyên gia giàu kinh nghiệm, sâu sát tham mưu, khuyến nghị và phản biện độc lập trong tất cả chuyển động của Tập đoàn, tham gia đào tạo thế hệ cán bộ trẻ trong doanh nghiệp. Họ có một Ban Đào tạo để đảm bảo hợp tác đào tạo, đào tạo nội bộ được thực hiện bài bản cho từng cấp nhân sự, từng lĩnh vực nghiệp vụ. Ở Đèo Cả, học là để làm được việc, không có chuyện học cho có bằng cấp để báo cáo thành tích!

Khi công việc là thước đo

Hầm Đèo Cả là hầm lớn xuyên núi tiên phong được hoàn thành hoàn toàn bởi người Việt, phá bỏ tiền lệ phụ thuộc vào nước ngoài, là "cú hích" để cộng đồng doanh nghiệp Việt mạnh dạn phấn đấu "làm chủ cuộc chơi". Khi không ít dự án vấp phải những căn bệnh tưởng như "nan y" là chậm tiến độ, kém chất lượng, "đội" vốn, dự án hầm đường bộ qua đèo Cả thì ngược lại, trở thành dự án BOT "mẫu mực" - điểm sáng trong thực tế đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trong nước.

Đèo Cả chào đón sự quan tâm của các cơ quan báo chí, sẵn sàng trao đổi, cầu thị lắng nghe. Coi báo chí là một kênh giám sát của cộng đồng - điều không thường gặp trong hoạt động của các doanh nghiệp. Với tinh thần công khai, minh bạch, mong muốn báo chí có thông tin chính xác, đáng tin cậy, Tập đoàn Đèo Cả đã mời các nhà báo trực tiếp tham gia kiểm tra quá trình thực hiện, mà tiêu biểu nhất là ở Trung Lương - Mỹ Thuận, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn. Qua phản ảnh chân thực của báo chí để xã hội hiểu hơn về công việc Đèo Cả đang làm, về khát vọng mà họ theo đuổi.

Có câu nói này của Đèo Cả nhiều năm nay các nhà báo vẫn nhắc lại. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên để tiến tới nghiên cứu đường cao tốc lên Cao Bằng, ông Hồ Minh Hoàng thẳng thắn hỏi: "Lãnh đạo Cao Bằng có tư duy nhiệm kỳ không?". Không khí hội trường UBND tỉnh im lặng vài giây. Nhưng khởi đầu đáng nhớ đó hẳn đã giúp đôi bên hiểu hơn về nhau, cho con đường Đồng Đăng - Trà Lĩnh từng bước thành hình.

Nhiều đối tác của Đèo Cả có chung ấn tượng về lối ứng xử quyết liệt của doanh nghiệp này, kể cả khi làm việc với các Bộ ngành, địa phương, ngân hàng… Còn nhớ trong cuộc họp đánh giá chất lượng vật liệu gia tải ở dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sự khảng khái của lãnh đạo Đèo Cả khi đối chất với cơ quan quản lý chất lượng tưởng chừng đẩy sự việc thêm nhiều phần căng thẳng. Và rồi, ngày 4/1/2021, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thông xe, một lần nữa là câu trả lời xác đáng nhất cho những nỗ lực của Đèo Cả khi đứng trước ngờ vực!

Ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ, ông tâm đắc các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" và cho rằng "tham nhũng vặt" cùng bệnh "sợ trách nhiệm" trong các mắt xích cơ quan Nhà nước đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

"Tự bản thân, tôi cho rằng "Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm" là một chuỗi từ suy nghĩ đến hành động thống nhất. Lấy lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân làm lợi ích tối thượng. Coi hiệu quả công việc là thước đo. Không nản chí trước những rào cản, coi đó là một khâu trong quy trình đi đến thành công. Vững vàng niềm tin vào lẽ phải, việc làm tốt sẽ luôn luôn được bảo vệ", ông Hoàng nói.

Trên hành trình hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, không thể thiếu những doanh nghiệp dân tộc dám nhận sứ mệnh tiên phong, không ngại việc khó để khẳng định cái tiến bộ, truyền cảm hứng cho những nhận thức mới về quản trị điều hành từ quy mô quốc gia cho tới từng tế bào doanh nghiệp. Thiết nghĩ, có cơ chế và thể chế trên cơ sở đặt niềm tin đúng chỗ, chính là nền tảng để kích hoạt, nuôi dưỡng và phát huy những doanh nghiệp mang tinh thần dân tộc.

Nam Hải

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/doanh-nghiep-dan-toc-trong-hanh-trinh-viet-nam-hung-cuong-183240416102806631.htm