Doanh nghiệp đặt niềm tin vào hướng đi mới, tạo nên sức bật mới

Đổi mới là điều cần thiết để vững bước trước mọi thách thức, đạt thành công lâu dài trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, Tạp chí Kinh Doanh ghi nhận sự kỳ vọng, đặt niềm tin của một số lãnh đạo doanh nghiệp, hội, hiệp hội doanh nghiệp về hướng đi mới, tạo nên sức bật mới, để 'bức tranh' của doanh nghiệp Việt ngày càng tươi sáng hơn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Khánh Trang

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Khánh Trang

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Khánh Trang

Trong năm 2025 các doanh nghiệp (DN) ngành hàng nông sản thực phẩm tin rằng sẽ có sức bật mới với hướng đi mới về thị trường đầu ra cho các sản phẩm của mình. Là ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa, nếu chỉ loay hoay trên “sân nhà” là chưa đủ mà đòi hỏi cần có những đột phá tại những thị trường mới đầy triển vọng ở nước ngoài, đơn cử như thị trường Halal (dành cho người Hồi giáo).

Muốn được như vậy rất cần chính sách của Nhà nước và các hiệp hội ngành hàng phải có chương trình kết nối cụ thể và hỗ trợ cho DN một cách thực tế, sát sườn chứ không còn là kiểu chung chung, hô hào nữa. Còn một khi chúng ta chỉ loanh quanh với bài toán chung chung trong “ao làng” sẽ không thể giải quyết được chuyện gì.

Nhất là cần những chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa. Đầu tiên là vấn đề hỗ trợ vốn vay. Thứ hai là vấn đề thị trường, chúng ta không còn chỉ giới hạn trong phạm vi tổ chức các chương trình, hội nghị, hội thảo nữa mà phải tập trung vào tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đưa hàng Việt ra nước ngoài, tìm kiếm thị trường để dẫn dắt các DN có những cơ hội tiếp cận nhiều hơn với khách hàng quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM)

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM)

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM)

Hy vọng trong năm 2025 sẽ mang lại nhiều tín hiệu tích cực hơn với hướng đi mới về thị trường cho các DN nhỏ và vừa. Nhất là kỳ vọng tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường chủ lực là Mỹ dù có nhiều thử thách mới, chính sách mới nhưng tin rằng các DN sẽ cố gắng vượt qua.

Khi có đơn hàng và phục hồi sản xuất như thời gian qua, các DN vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề về vốn, nguồn lao động (các lao động cũ tuyển dụng lại rất khó vì chuyển nghề, đối với lao động mới phải tốn thời gian đào tạo). Cho nên hy vọng trong năm 2025 họ sẽ phần nào thoát khỏi những khó khăn này để có được sức bật mới.

Chúng tôi cũng kiến nghị cần tiếp tục chính sách hạ lãi suất vay vốn, tăng kết nối ngân hàng phục vụ cho những chương trình lớn như hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ xuất khẩu, phát triển nông nghiệp. Với điều kiện thuận lợi, như lãi suất cho vay nới hơn, mong rằng nhu cầu vay vốn của DN để phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Trong “kỷ nguyên vươn mình” đang cần bản thân các DN nhỏ và vừa chủ động nghĩ đến chuyện hội nhập với kinh tế quốc tế, phải tự phấn đấu vươn mình lên, chủ động trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Kết hợp với đó là các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước để giúp DN tiếp xúc với các công nghệ mới, tiếp cận với thị trường mới, có chính sách khuyến khích, khen thưởng cho những DN mở ra được thị trường mới, đạt tăng trưởng trong xuất khẩu.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam

Trong năm 2025, tôi tin là các DN trong ngành da giày, túi xách sẽ tiếp tục tận dụng những lợi thế mà chúng ta đang có tại những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) vốn đang chiếm 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt là họ phải nắm được, xử lý được bài toán về những hàng rào kỹ thuật mà các quốc gia hiện đang tập trung, trong đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu ra rất nhiều về yêu cầu sản xuất xanh, sản xuất sạch, sản xuất tuần hoàn.

Việc đó không chỉ ảnh hưởng đến một số ngành nhất định nào mà ảnh hưởng đến tất cả các ngành, trong ngành da giày chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì là ngành sử dụng khá nhiều loại hóa chất. Do vậy, để có sức bật mới thì một trong những giải pháp đặt ra cho ngành da giày Việt trong năm 2025 là tìm cách vượt được những hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.

Riêng việc ứng phó trước áp lực về sản xuất xanh, thời gian qua khá nhiều DN da giày đã chuyển sang dùng năng lượng sạch (như điện mặt trời, điện gió), cũng như hạn chế sử dụng những nguyên liệu độc hại, và trong năm 2025 các DN sẽ tiếp tục phát huy những mặt tích cực như vậy.

Ngoài ra, để tránh rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường chủ lực thì việc tiếp tục đa dạng thị trường xuất khẩu (nhất là nhắm vào những thị trường ít rủi ro hơn, ổn định hơn) là điều mà các DN cần làm trong năm 2025. Tuy vậy, việc này không phải DN nào cũng có thể làm được, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa với nguồn lực còn hạn chế, cho nên họ cần được hỗ trợ trong chuyện này.

Ông Võ Tuấn Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Vàng Ban

Ông Võ Tuấn Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Vàng Ban Mê

Ông Võ Tuấn Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Vàng Ban Mê

Trong năm 2025, chúng tôi sẽ định hướng xuất khẩu nhiều hơn vào những thị trường nào quan tâm đến mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong đó, trước mắt là thị trường gần như các quốc gia trong ASEAN. Bản thân công ty cũng phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới trên toàn cầu bằng việc đa dạng sản phẩm chế biến sâu và sạch theo hướng “bắt trend”, hướng đến sức khỏe.

Khi chúng ta đang nói nhiều đến “kỷ nguyên vươn mình” thì bản thân DN như được tiếp thêm sức mạnh để vươn ra thị trường nước ngoài. Mục tiêu của DN là mang những sản phẩm tinh túy của mình ra thị trường quốc tế cũng như chia sẻ với người tiêu dùng quốc tế về xu hướng mới, đơn cử như những sản phẩm chế biến mới từ cà phê với sự pha trộn cùng một số loại nông sản khác như dừa, mật ong, sầu riêng…

Để tăng tiếp cận với các nhà thu mua quốc tế, thời gian tới công ty sẽ tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động kết nối giao thương làm showroom ở nước ngoài để phát triển thương hiệu. Riêng với thị trường nội địa, chúng tôi sẽ nhắm đến phân phối nhiều hơn vào các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại ở những thành phố lớn.

Ngoài ra, chúng tôi mong rằng Nhà nước ngày càng quan tâm, hỗ trợ nhiều cho các DN trong hoạt động xúc tiến thương mại để tạo nhiều thuận lợi hơn nữa cho việc mang sản phẩm hàng Việt thâm nhập sâu vào thị trường toàn cầu.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Năm 2025 hứa hẹn sẽ là một giai đoạn đầy biến động và cơ hội, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, với nhiều xu hướng nổi bật đang hình thành. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng việc mua sắm qua thiết bị di động. Dự kiến, doanh thu từ thương mại di động sẽ chiếm khoảng 62% tổng doanh thu toàn cầu vào năm 2027. Cho nên, tôi mong là các DN Việt cần tối ưu hóa website và ứng dụng di động để cải thiện trải nghiệm người dùng, bao gồm việc tích hợp các phương thức thanh toán tiện lợi và nhanh chóng.

Bên cạnh đó, thương mại xã hội (hay thương mại dựa trên mạng xã hội) sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok trở thành kênh bán hàng chính cho nhiều thương hiệu bằng nội dung độc đáo, viral (một sự lan truyền mang tính chất mạnh mẽ, nhanh chóng). Người tiêu dùng sẽ tìm kiếm sản phẩm thông qua các tương tác xã hội và nội dung do người dùng tạo ra. Như vậy, nếu các DN muốn bán hàng tốt, phải làm content (nội dung) hay.

Hơn nữa, khâu cạnh tranh bán hàng cũng là khâu thi đua làm content. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm. Các công nghệ như học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ giúp DN phân tích dữ liệu khách hàng, từ đó đưa ra các gợi ý sản phẩm phù hợp. Hay như công nghệ AR (thực tế ảo tăng cường) sẽ cung cấp trải nghiệm mua sắm tương tác, cho phép khách hàng “thử” sản phẩm trước khi quyết định mua. Công nghệ này giúp giảm bớt lo lắng về việc lựa chọn sai sản phẩm và tăng khả năng hài lòng của khách hàng.

Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm. Vì thế, các DN cần áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường và đảm bảo quy trình phát thải rác nhựa và carbon.

Thế Vinh (thực hiện)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-dat-niem-tin-vao-huong-di-moi-tao-nen-suc-bat-moi-1104342.html