Doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ giảm áp lực chi phí đầu vào
Theo khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đã ổn định và tăng hơn so với năm ngoái, tuy nhiên, một số khó khăn vẫn hiện hữu. Cụ thể là chi phí vận tải hàng hóa xuất khẩu tăng cao tác động đến chi phí hoạt động và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Không chỉ các doanh nghiệp tham gia khảo sát, không ít các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống đang đối mặt với bài toán khó. Đó là tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán, chất lượng dịch vụ sản phẩm không thay đổi để giữ chân khách hàng, nhất là trong bối cảnh lực cầu tiêu dùng yếu, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Thời gian tới, doanh nghiệp nhỏ này phải tính toán đến việc tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất, mặt bằng kinh doanh, mở rộng dịch vụ, phát triển thêm sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thu hút thêm một số đối tượng khách hàng mới là giới trẻ.
Từ mức tăng trưởng 4,1% trong nửa đầu năm 2023, đầu tư tư nhân đến nửa đầu năm 2024 đã tăng lên 6,7%, ghi nhận sự cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng trước giai đoạn Covid-19. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, điều này chưa tạo động lực cho sản xuất phát triển cũng như chưa thu hút đầu tư tư nhân.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục được hỗ trợ để gia tăng sức chống chịu trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường, của việc tăng giá các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào sản xuất. Trong đó, quan trọng là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Đây cũng là một trong những kiến nghị được các doanh nghiệp đưa ra trong khảo sát của Tổng cục Thống kê vừa qua. Cụ thể, để nắm bắt cơ hội phát triển và thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2024, các doanh nghiệp đưa ra kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào.
Mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị 47,0%. Ngoài ra, 30,5% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 35,4% doanh nghiệp kiến nghị cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.
Về chính sách thuế, phí, lệ phí: 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách Nhà nước phù hợp. Liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn: 29,0% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn. Về thủ tục hành chính: 28,6% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.
Về thị trường đầu ra: 27,7% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục có biện pháp kích cầu trong nước; 21,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.