Doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa linh hoạt tiếp cận thị trường xuất khẩu

Các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới ngay trong các thị trường truyền thống cũng như tăng cường xúc tiến thương mại ở những thị trường mới.

Năm 2023 là năm ngành may mặc tỉnh Thanh Hóa nói riêng và dệt may mặc cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn, thách thức do những biến động của tình hình thế giới. Để tháo gỡ khó khăn, nhiều DN may mặc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp để duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường mới, ổn định sản xuất.

Những ngày này, hơn 300 công nhân của Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ và thương mại Trường Phát, huyện Nông Cống đang tăng ca, tăng kíp làm việc hết công suất để thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2024.

Mặc dù kế hoạch sản xuất năm 2023 đặt ra chỉ đạt 80%, tương đương xuất đi hơn 3 triệu sản phẩm, nhưng việc ký kết được đơn hàng xuất khẩu quần áo đi Nga năm 2024 là tín hiệu tích cực, giúp DN ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm người lao động.

Các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa hứa hẹn sẽ tiếp cận được những thị trường mới

Các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa hứa hẹn sẽ tiếp cận được những thị trường mới

Ông Trần Công Tuệ, Giám đốc Công Ty TNHH Sản xuất DV&TM Trường Phát, tỉnh Thanh Hóa cho biết, phương châm của DN là đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu. DN đã đàm phám với khách hàng và năm 2024 đặt mục tiêu tăng trưởng từ 30% - 40%. Hiện DN đang xây dựng nhà máy mới, sản lượng tối đa 5 triệu sản phẩm và dự kiến tuyển dụng thêm 1.000 công nhân.

Năm 2023, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, các DN may mặc ở Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng. Có DN phải cắt giảm cả giờ làm và nhân sự. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các DN may mặc phải thay đổi, linh hoạt trong chiến lược sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Duy Giáp, Giám đốc Chi nhánh may Delta Hậu Lộc 1, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà máy đã phát triển bộ phận nghiên cứu sản phẩm, nhanh chóng tiếp cận xu hướng tiêu dùng của các nước phát triển với các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường.

Thanh Hóa hiện có gần 300 DN sản xuất trong lĩnh vực dệt may. Do giá đơn hàng xuất khẩu giảm từ 20% - 30% nên dù đơn hàng xuất khẩu tăng trong quý IV/2023, nhưng lợi nhuận lại giảm so với cùng kỳ.

Chị Nguyễn Thị Diễm, Công nhân Công ty TNHH SOTO, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết, công nhân công ty vẫn được tăng ca, mức lương từ đầu năm đến nay ổn định. Có tăng ca nên thu nhập tăng thêm, từ đó nâng cao đời sống công nhân mọi người đều phấn khởi.

Ông Lâm Vĩnh Hào, Tổng giám đốc Công ty TNHH South Fame Garments Limitted cho rằng, tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng với sự nỗ lực của cả tập thể, DN vẫn ký kết được các đơn hàng với các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. “Năm 2023, DN vẫn đảm bảo được sản xuất 5 triệu sản phẩm như kế hoạch đã đề ra và duy trì việc làm cho hơn 1.800 công nhân ở 3 xưởng sản xuất. Hiện DN cũng chủ động được các đơn hàng cho sản xuất quý I và II/2024”, ông Hào cho hay.

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, các DN dệt may tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới ngay trong các thị trường truyền thống cũng như tăng cường xúc tiến thương mại ở những thị trường mới nhằm linh hoạt nắm bắt thông tin thị trường để thích ứng.

Năm 2024 dự báo sẽ có những khó khăn, thách thức đối với ngành dệt may nói chung, nhưng với sự đổi mới, nhanh nhạy thích ứng với thị trường, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa hứa hẹn sẽ tiếp cận được những thị trường mới.

Sỹ Đức - Thúy Lượng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-det-may-thanh-hoa-linh-hoat-tiep-can-thi-truong-xuat-khau-post1076899.vov