Doanh nghiệp điện tử - máy tính: Tìm hướng giải tỏa áp lực thuế quan

Theo đề xuất của Hiệp hội Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và các doanh nghiệp điện tử, máy tính, Chính phủ cần siết chặt quản lý xuất xứ, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc ngành hàng điện tử và hợp tác với hải quan Mỹ để loại bỏ nghi ngờ về gian lận thương mại.

Liên quan đến thuế đối ứng từ Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick mới đây cho biết, quyết định hôm 12/4 của Tổng thống Donald Trump về việc miễn trừ thuế cho một loạt thiết bị điện tử chỉ mang tính tạm thời, tất cả những sản phẩm này đều nằm trong danh mục thuế quan bán dẫn một số thiết bị điện tử khác, có thể sẽ có hiệu lực trong 1 hoặc 2 tháng nữa.

Việc Mỹ áp thuế đối ứng sớm sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất máy vi tính và linh kiện điện tử tại Việt Nam chịu áp lực lớn, buộc phải điều chỉnh chiến lược sản xuất để đối phó. Trong khi Mỹ là một thị trường lớn, đóng vai trò quan trọng đối với thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của ngành điện tử nói riêng, với giá trị xuất khẩu năm 2024 lên tới 41,7 tỷ USD.

Quan ngại với quyết định thuế quan mới từ Mỹ, ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng cho biết, DN đang nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng để tập trung cập nhật thông tin mới nhất về hoạt động sản xuất và xuất khẩu, cũng như đánh giá rủi ro và cơ hội để đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp.

“Trước mắt, DN xác định đa dạng hóa thị trường để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ. Nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác, việc này giúp giảm thiểu rủi ro khi có biến động trong chính sách thuế quan. Về lâu dài, DN tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế” - ông Dương chia sẻ.

Cũng theo ông Dương, DN đang xây dựng mối quan hệ tốt với các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế để nắm bắt thông tin, hỗ trợ và giải quyết các vấn đề liên quan đến xuất khẩu. DN cũng điều chỉnh kế hoạch và chiến lược linh hoạt để thích ứng nhanh chóng với các thay đổi trong chính sách thuế quan với việc điều chỉnh sản xuất, đổi mới công nghệ và cải thiện quy trình quản lý. Đặc biệt, DN đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng suất lao động và tối ưu hóa chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Thông tin từ VEIA cho thấy, ngay từ khi Mỹ thông báo áp thuế đối ứng 46%, tính đến thời điểm 11/4/2025, đã có một số DN bị đối tác thông báo hủy đơn hàng. Một số DN có kế hoạch chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam hoặc những dự án chuẩn bị mở rộng sản xuất cũng đã phải tạm dừng lại.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành VEIA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, trong 90 ngày Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng, các DN trong Hiệp hội đều theo dõi sát diễn biến đàm phán thuế quan, cũng như khẩn trương tìm kiếm thị trường thay thế.

“Đối với các DN trong VEIA đã xác định đây là thời điểm then chốt để xem xét việc tự chủ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng năng lực sản xuất nội địa, tăng chất lượng cũng như quản trị sản xuất, quản trị DN để tối ưu hóa các chi phí, đảm bảo cho hàng hóa Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên bất cứ thị trường nào. Chỉ khi có được sự tự chủ, không phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài mới giúp các DN nói chung, các DN điện tử, máy tính nói riêng tự tin đứng vững, không bị rơi vào tình thế rủi ro trong các cuộc khủng hoảng” - bà Hương nói.

Về mặt vĩ mô, để giảm thiểu tác động của thuế quan và bảo vệ lợi ích của ngành điện tử trong nước, đại diện VEIA cho rằng, Chính phủ cần phải hóa giải mối quan ngại lớn của Mỹ bằng cam kết minh bạch chuỗi cung ứng và chống chuyển tải bất hợp pháp. VEIA sẵn sàng phối hợp với Chính phủ cung cấp dữ liệu minh bạch về chuỗi cung ứng ngành điện tử, chứng minh hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không phải chuyển tải từ nước thứ ba. Cùng với đó, VEIA đề xuất Chính phủ siết chặt quản lý xuất xứ, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và hợp tác với hải quan Mỹ để loại bỏ nghi ngờ về gian lận thương mại.

VEIA cũng kiến nghị Chính phủ khuyến khích các DN điện tử tăng nhập khẩu linh kiện, thiết bị công nghệ cao, hoặc máy móc từ Mỹ. Đề xuất các dự án hợp tác sản xuất bán dẫn hoặc công nghệ cao với các công ty Mỹ, nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương.

T.Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doanh-nghiep-dien-tu-may-tinh-tim-huong-giai-toa-ap-luc-thue-quan-10304320.html