Doanh nghiệp đối mặt với thách thức Nam Phi điều tra thép cuộn

Ngày 19/2/2025, Bộ Công thương đã thông tin chính thức về quyết định của Nam Phi điều tra tự vệ đối với thép cuộn chống ăn mòn nhập khẩu, đồng thời có những cảnh báo chi tiết đến các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu vào thị trường này.

Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, đơn vị này nhận được thông tin về việc Ủy ban Quản lý thương mại quốc tế Nam Phi (ITAC) chính thức khởi xướng điều tra tự vệ với thép cuộn chống ăn mòn nhập khẩu.

Doanh nghiệp đối mặt với thách thức Nam Phi điều tra thép cuộn. Ảnh: minh họa

Doanh nghiệp đối mặt với thách thức Nam Phi điều tra thép cuộn. Ảnh: minh họa

Mặt hàng bị điều tra là thép cuộn chống ăn mòn được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Cộng hòa Nam Phi là: 7210.61.20, 7210.61.30, 7225.92.25 và 7225.92.35.

Nguyên đơn đề nghị điều tra là Công ty TNHH ArcelorMittal Nam Phi (AMSA), ngày khởi xướng từ 3/2, thời kỳ điều tra từ 1/5/2021 - 30/4/2024.

Theo thông tin từ nguyên đơn, nguồn cung thép chống ăn mòn vượt mức một cách đáng kể trên phạm vi toàn cầu gây ra sự gia tăng đột biến lượng hàng nhập khẩu vào khối SACU (Khối liên minh hải quan Nam Phi gồm 5 quốc gia thành viên: Nam Phi, Bostwana, Lesotho, Namibia và Swaziland) có 4 nguyên nhân.

Thứ nhất, các nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đã không trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như đã đảm bảo với các thành viên WTO trong các cuộc đàm phán.

Thứ hai, hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã liên tục suy giảm kể từ năm 1994. Các nhà sản xuất thép lớn áp dụng các chiến lược xuất khẩu mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu các sản phẩm thép.

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại đáng kể và thị trường thép nội địa của Trung Quốc đang thu hẹp, dẫn tới các nhà sản xuất Trung Quốc phải tăng cường xuất khẩu hơn nữa, với mức giá giảm, để thoát khỏi tình trạng tồn kho dư thừa.

Thứ tư, các quốc gia trên thế giới thực hiện các hành động khẩn cấp để tăng thuế quan và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Dự kiến, sự gia tăng nhập khẩu vào SACU cũng do sự suy thoái kinh tế gần đây ở Trung Quốc và sự co hẹp của các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc.

Phía nguyên đơn cũng chỉ ra các dấu hiệu ban đầu cho thấy ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại nghiêm trọng như sụt giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần… trong giai đoạn từ 1/5/2022 đến 30/4/2024./.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, các doanh nghiệp cần hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin theo yêu cầu của ITAC; đồng thời có giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong trường hợp Nam Phi có quyết định áp thuế tự vệ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi tình hình với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-doi-mat-voi-thach-thuc-nam-phi-dieu-tra-thep-cuon-170805.html