Doanh nghiệp đối phó với khó khăn do COVID-19

Ảnh hưởng của COVID - 19 khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian này khá trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động các phương án để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam duy trì hoạt động sản xuất và tăng cường phòng tránh COVID-19. Ảnh: T.T

Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam duy trì hoạt động sản xuất và tăng cường phòng tránh COVID-19. Ảnh: T.T

Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà là đơn vị sản xuất các dụng cụ du lịch để xuất khẩu như lều cắm trại, túi ngủ, ba lô, trang phục, giày, nịt… Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong điều kiện khó khăn hiện nay, ngoài nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, công ty nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều nước khác nhau, các phụ liệu chủ yếu là sử dụng hàng Việt Nam, nhờ đó tình hình sản xuất vẫn ổn định, khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất đến cuối năm nay.

Ông Kang Zheng Zhi, Giám đốc công ty cho biết: “Với 1.200 công nhân, trong điều kiện tình hình COVID - 19 diễn biến phức tạp như hiện nay, công ty áp dụng 3 phương án để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên và hoạt động sản xuất là hạn chế người nước ngoài đến công ty; thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho công nhân và tăng cường công tác khử trùng, tuyên truyền cho công nhân về biện pháp phòng, chống dịch bệnh”.

Đối với Công ty Cổ phần Đất Thép, trong xây dựng chiến lược kinh doanh, đơn vị đã tính toán đến những trường hợp rủi ro nên hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì ổn định, đảm bảo đời sống của người lao động. Giám đốc Công ty Cổ phần Đất Thép Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra bình thường, khi các đơn hàng ở Lào, Thái Lan gặp khó trong khâu xuất nhập khẩu thì công ty chủ yếu phục vụ các đơn hàng trong nước.

Hiện nay, bên cạnh tiếp tục duy trì các biện pháp để ổn định sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng chú trọng đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động. Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trần Văn Đoàn cho biết: “Ban Quản lý đã yêu cầu các công ty tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh. Những nơi có lao động nước ngoài và chuyên gia nước ngoài đến làm việc phải báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ đạo phòng chống COVID -19 của tỉnh”.

Toàn tỉnh hiện có 3.621 doanh nghiệp đang hoạt động. COVID - 19 không chỉ tác động đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiêp mà còn ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch. Theo báo cáo của ngành Công thương, trong tháng 2/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 2.452 tỉ đồng, giảm 15,28% so với tháng trước. Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng giảm so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 32 triệu USD, giảm 45,78%. Khu vực lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 1,01 tỉ đồng, so với tháng trước giảm 52,12%.

Ông Phạm Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Ken Travel, thành phố Đông Hà cho biết, công ty chuyên tổ chức các tour du lịch đi đảo Cồn Cỏ và Khe Sanh, từ đầu năm đến nay mới chỉ nhận 2 tour và chưa có khách đặt tour tuyến cho đến hết tháng 7/2020, hoạt động du lịch giảm đến 80%, khách hàng gần như không quan tâm gì đến các tour mùa hè. Để đối phó với tình trạng khó khăn hiện nay, công ty phải đưa ra giải pháp là cắt giảm nhân sự, cho nghỉ tạm thời chờ đến khi hoạt động du lịch tiến triển hơn. “Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì phải đến sau khi hết dịch một vài tháng, ngành du lịch mới phục hồi trở lại. Mong muốn lớn nhất của những người làm du lịch hiện nay là thông tin về dịch bệnh phải được minh bạch, không gây hoang mang cho người dân, nhà nước quan tâm miễn, giảm các loại thuế cho doanh nghiệp để hỗ trợ khắc phục khó khăn chung, sau khi hết dịch cần có chính sách kích cầu du lịch”.

Bên cạnh sự nỗ lực, tự xoay xở trong thời điểm khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đang rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời như miễn, giảm các khoản thuế hoặc giãn tiến độ nộp thuế, giảm tiền thuê đất của nhà nước, có các chính sách ưu đãi khác để áp dụng đồng bộ cho các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thời điểm dịch bệnh.

Vừa qua, ngành Công thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, nhất là các sản phẩm xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc để kịp thời có biện pháp kết nối, hỗ trợ tiêu thụ khi cần thiết. Tổ chức nắm bắt và cung cấp thông tin, tình hình hoạt động của các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc như Sơn La, Quảng Ninh, Lào Cai… cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp chủ động trong việc vận chuyển, tập kết hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động có phương án chuyển đổi, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế cũng như tiếp cận đa dạng hóa thị trường tiêu thụ mới, giảm sự lệ thuộc vào các đầu mối kinh doanh truyền thống. Thực tế là hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khả năng đối phó với rủi ro rất kém, do đó phải đẩy mạnh liên kết, hợp tác trở thành khách hàng, thị trường của nhau hoặc chia sẻ nguồn nguyên liệu mới có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146733