Doanh nghiệp e ngại đầu tư vào nhà ở xã hội vì… địa phương chậm phê duyệt chủ trương đầu tư

Trên thực tế, hiện nay đã có một số doanh nghiệp 'đánh tiếng' muốn phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị lớn, nhưng họ e ngại quy trình xin cấp chủ trương đầu tư quá phức tạp và kéo dài.

Nhiều người “đâm lao” mua chung cư mini, vì thiếu dòng nhà ở vừa túi tiền

Trước khi vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân xảy ra khiến 56 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, thì chung cư mini là một sản phẩm “hot” trên thị trường, nhờ giá rẻ và phù hợp với người có thu nhập thấp.

Theo Hội môi giới bất động sản (VARs), người mua chung cư mini hầu hết đều lờ mờ nhận ra các nguy cơ rủi ro về mặt pháp lý và thiếu an toàn khi ở trong các dự án chung cư mini này.

 Nhiều người “đâm lao” mua chung cư mini, vì thiếu dòng nhà ở vừa túi tiền. (Ảnh: LD)

Nhiều người “đâm lao” mua chung cư mini, vì thiếu dòng nhà ở vừa túi tiền. (Ảnh: LD)

Thế nhưng, ngoài lý do giá rẻ, nhiều người chấp mua căn hộ mini vì họ không còn sự lựa chọn nào khác, trong khi ví tiền có hạn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản khẳng định: Nếu như thị trường có đủ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người dân, thì có lẽ những tòa chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn cũng sẽ không có cơ hội được tiêu thụ.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ, ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, như hỗ trợ lãi suất hay một số ưu đãi về thuế, phí.

Riêng trong Quyết định 338 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp trong giai đoạn 2021 - 2030”, Chính phủ đã khẳng định: Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nhằm cải thiện thứ bậc của Việt Nam về nhà ở trong bảng xếp hạng của quốc tế.

Đề án cũng yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân.

Đề án đề nghị huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.

E ngại vì chậm phê duyệt chủ trương đầu tư

Trên thực tế, hiện nay đã có một số doanh nghiệp “đánh tiếng” muốn phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị lớn, nhưng họ e ngại quy trình xin cấp chủ trương đầu tư quá phức tạp và kéo dài. Việc các dự án chậm được phê duyệt, sẽ khiến doanh nghiệp kiệt quệ tài chính vì không có thanh khoản trên thị trường.

Đơn cử như trường hợp hai dự án nhà ở xã hội tại quận Hoàng Mai, của Công ty TNHH Hòa Bình với gần 2 năm hành trình đi xin chủ trương đầu tư.

 Việc các dự án chậm được phê duyệt, sẽ khiến doanh nghiệp kiệt quệ tài chính vì không có thanh khoản trên thị trường. (Ảnh: HL)

Việc các dự án chậm được phê duyệt, sẽ khiến doanh nghiệp kiệt quệ tài chính vì không có thanh khoản trên thị trường. (Ảnh: HL)

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình cho biết, ngay sau vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, Thanh Xuân, phía công ty đã có công văn gửi cơ quan chức năng kiến nghị về việc chậm cấp chủ trương đầu tư 2 dự án nhà ở tại Hà Nội, do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Theo ông Dũng, ngày 30/12/2021 và ngày 11/3/2022, liên doanh của công ty Hòa Bình đã nộp hồ sơ tới UBND Hà Nội và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội cao tầng tại 393 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai và số 4-6-8, ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã tiếp nhận và ban hành phiếu hẹn đến ngày 22/2/2022 và ngày 29/4/2022 sẽ trả kết quả chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời công nhận chủ đầu tư dự án.

Ngày 26/12/2022, ban lãnh đạo Công ty Hòa Bình đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND Hà Nội đề nghị UBND thành phố giải quyết cấp chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội của công ty.

Ngày 27/12/2022, UBND Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rút kinh nghiệm và khẩn trương, nghiêm túc chủ trì, đôn đốc sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND Hà Nội trước ngày 30/12/2022 và tập trung giải quyết dứt điểm trong tháng 1/2023.

Sau khi công ty Hòa Bình có nhiều văn bản kiến nghị về việc chậm phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội, vào ngày 25/8/2023, UBND Hà Nội đã có Quyết định số 4279 phê duyệt danh mục cập nhật 8 dự án nhà ở xã hội của Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có 2 dự án nhà ở xã hội tại nội thành của liên doanh công ty Hòa Bình.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại chỉ có một dự án tại 4-6-8, ngõ 321 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai được chấp thuận chủ trương đầu tư, còn dự án 393 Lĩnh Nam vẫn “bặt vô âm tín”.

Do đó, phía công ty Hòa Bình đề nghị UBND Hà Nội xem xét vấn đề cấp chủ trương đầu tư cho dự án còn lại.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-e-ngai-dau-tu-vao-nha-o-xa-hoi-vi-dia-phuong-cham-phe-duyet-chu-truong-dau-tu-post265732.html