Doanh nghiệp gặp khó khi xuất khẩu hải sản vì vướng quy định gỡ 'thẻ vàng'

Nhiều doanh nghiệp gặp vướng khi xin cấp giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và giấy chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) cho lô hải sản xuất khẩu sang EU

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản phản ánh những bất cập phát sinh khi thực hiện Quyết định 81 ban hành tháng 2-2023 của Chính phủ về "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU - quy định gỡ "thẻ vàng"), chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EU) lần thứ 4".

Theo VASEP, một số trường hợp dù doanh nghiệp vẫn đang thực hiện tốt các quy định hiện hành về chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng IUU nhưng gặp vướng khi lô hàng không xin được giấy xác nhận nguyên liệu (S/C).

Cụ thể, có doanh nghiệp gặp vướng mắc khi mua cá cờ kiếm của tàu có giấy phép khai thác chính là cá ngừ, bị ban quản lý cảng cá từ chối cấp S/C dù quá trình ra khơi, ngoài cá ngừ là nguyên liệu khai thác chính thì ngư dân vẫn khai thác được các loại cá khác.

Có trường hợp doanh nghiệp mua cá ngừ vây vàng cỡ lớn không xin được giấy xác nhận nguyên liệu vì ban quản lý cảng cá cho rằng kích cỡ lớn, không phải cá ngừ vây vàng. Điều này doanh nghiệp cho rằng không hợp lý vì không tìm thấy quy định phân loại cá ngừ vây vàng theo kích cỡ.

Một bất cập khác là doanh nghiệp không xin được giấy chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) cho một số lô hải sản khai thác xuất khẩu châu Âu với các lô hàng có nguyên liệu từ tàu khai thác dài ngày.

Cá ngừ được trưng bày tại Triển lãm Vietfish 2022 tại TP HCM

Cá ngừ được trưng bày tại Triển lãm Vietfish 2022 tại TP HCM

Điều này xuất phát từ nghi ngại của cơ quan quản lý rằng thời gian từ lúc bắt đầu khai thác đến bốc dỡ nguyên liệu khi cập cảng của tàu cá kéo dài mà không có hoạt động chuyển tải sẽ không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc tàu cá ra khơi dài ngày không đồng nghĩa với các lô hải sản cũng có thời gian lưu trữ tương ứng vì ngư dân có nhiều chuyến quăng lưới suốt thời gian ra ngư trường.

Hơn nữa, theo VASEP, Việt Nam hiện chưa có có quy định về thời gian khai thác biển như thế nào mới được xuất khẩu. Vì vậy, việc đánh giá mức độ đáp ứng an toàn thực phẩm của lô hàng nếu xét thấy cần thiết có thể dùng các chỉ tiêu khác.

VASEP cho rằng những vấn đề phát sinh nêu trên đang ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp, cần được tháo gỡ để khơi thông chuỗi khai thác - chế biến - xuất khẩu hải sản sang EU.

Tin- ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-gap-kho-khi-xuat-khau-hai-san-vi-vuong-quy-dinh-go-the-vang-20230316103619487.htm