Doanh nghiệp gửi tâm thư tới Bộ trưởng: Vì sao khoai tây Việt Nam chỉ để nấu canh?

Một doanh nghiệp gửi tâm thư tới Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Tại sao khoai tây Việt Nam trồng ra chỉ để nấu canh với giá vài ngàn đồng/kg, còn khoai tây cho nhà hàng, khách sạn, làm BBQ thì Việt Nam phải nhập hoàn toàn với giá ít nhất 50.000 đồng/kg?'.

Chiều 10-7, Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn “Kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân". Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì diễn đàn, cùng với sự tham dự của gần 200 nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, tổ chức quốc tế.

'Ngay cả con dao cắt khoai tây, chúng ta cũng phải nhập khẩu'

Thay mặt các công ty tham gia lĩnh vực chế biến nông sản, ông Hà Hoàng Trọng, giám đốc một công ty chế biến nông sản ở Vĩnh Phúc gửi tâm thư tới Bộ trưởng Lê Minh Hoan về những trăn trở trong lĩnh vực chế biến nông sản của nước nhà.

Ông Trọng cho biết, bấy lâu nay chúng ta đều quan tâm vào lĩnh vực giống và một số lĩnh vực khác, nhưng thực tế việc phát triển trồng trọt của người nông dân, không riêng gì Vĩnh Phúc, mà ở nhiều tỉnh, thành phố còn hạn chế. Bằng chứng là nhiều nông dân vẫn đang nghèo, ruộng đất vụ đông còn bỏ hoang nhiều.

 Ông Hà Hoàng Trọng, giám đốc một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc gửi tâm thư tới Bộ trưởng. Ảnh: AH

Ông Hà Hoàng Trọng, giám đốc một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc gửi tâm thư tới Bộ trưởng. Ảnh: AH

Theo giám đốc doanh nghiệp này, khâu đầu tàu để kéo ngành nông nghiệp phát triển là trồng trọt và chế biến, nhưng mảng chế biến nông sản của nước ta còn nhiều hạn chế.

“Ví dụ như với củ khoai tây mà chúng tôi đang làm. Điều đau lòng là khoai tây Việt Nam trồng ra chỉ để nấu canh. Còn khoai tây cho nhà hàng, khách sạn, làm BBQ, thì Việt Nam nhập 100%. Nhưng giá nhập thì ít nhất 50.000 đồng/kg, trong khi nông dân trồng ra chỉ bán được vài ngàn đồng/kg” - ông Trọng nói.

Hay ví dụ về con dao răng cưa để chế biến khoai tây. Vị giám đốc cũng cho biết đã tìm mỏi mòn, ròng rã nhiều tháng nay, từ Bắc vô Nam cũng không tìm thấy. Như thế làm sao chúng ta cạnh tranh được?

Từ thực trạng như trên, ông Hà Hoàng Trọng cho rằng các nhà khoa học cần tập trung hơn nữa vào lĩnh vực chế biến. Bởi ngay như ở thị trường Hàn Quốc mà doanh nghiệp này xuất khẩu sang, thì sản phẩm mua về người dân cũng phải ăn được ngay, tức là đã qua chế biến, chứ không phải bán dạng củ tươi nguyên liệu.

“Mục tiêu của chúng ta là nông dân phải giàu, chứ không bỏ ruộng. Chúng tôi rất mong các nhà khoa học chủ động liên lạc với chúng tôi, để chúng ta đẩy mạnh khâu chế biến” - ông Trọng nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty San Hà, doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm gia cầm, thủy cầm tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến các loại cũng bày tỏ ý kiến: ““Thay vì phải mua 70.000 con giống hay gia súc, gia cầm từ nước ngoài, San Hà thực sự mong muốn nhà khoa học Việt Nam sản xuất được từ trong nước”.

‘Nếu Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình thì không hiểu thị trường’

Trước chia sẻ tâm huyết của doanh nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Tôi mà là phóng viên, tôi sẽ giật tít luôn. Nhà khoa học chúng ta nhiều mà không làm được cái dao gọt khoai tây, để nông dân khổ”.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: AH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: AH

Tiếp tục trao đổi, Bộ trưởng cho hay, trong phân khúc thị trường, người ta sản xuất cả triệu con dao, chúng ta làm vài ngàn con, thì có cạnh tranh nổi không?

“Chúng ta có nên đương đầu với cái người ta đã thành công rồi, hay là chúng ta tập trung vào cái chúng ta đang làm tốt để làm tốt hơn nữa? Mấy trăm năm người ta nghiên cứu, ví dụ như dao cạo râu Gillette, sao không có hãng khác vượt được?” - Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Với mục đích cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cần “hợp tác để kết nối”, và hiểu đúng khái niệm “thị trường khoa học công nghệ”.

“Tại sao phải gọi đó là thị trường? Thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Người ta nói trăm người bán vạn người mua mới ra cái chợ, chứ không phải có vài ba ông là thành chợ. Thị trường thì sẽ có cạnh tranh, tạo ra động lực cho việc làm tốt hơn. Sản phẩm không tốt sẽ bị thải loại. Người không bán được hàng cũng tự đặt dấu hỏi, để phải cải tiến mà làm tốt hơn” - Bộ trưởng lưu ý.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines thăm gian hàng trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ của Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: BÌNH DƯƠNG

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines thăm gian hàng trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ của Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: BÌNH DƯƠNG

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sự thải loại của thị trường sẽ là sự cải tiến trong mọi mặt. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều Viện nghiên cứu, ngược lại Viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nếu chỉ dừng ở liên kết, thì khó đi xa.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định: Nếu Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình thì không hiểu thị trường, khâu này cần doanh nghiệp. Do đó, hợp tác liên kết có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”. Chúng ta nghiên cứu cái gì cũng phải theo thị trường. Mọi sự thay đổi thị trường, doanh nghiệp là người đầu tiên biết. Nhà nước sẽ luôn đi sau doanh nghiệp trong vấn đề này.

“Tôi muốn khuyến khích các viện nghiên cứu về giải pháp hữu ích”. Hãy nghĩ tới bà con nông dân, nghĩ làm sao cho họ bớt vất vả. Đó cũng là gợi ý với các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân, nghe họ nói thôi cũng có vô số ý tưởng” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/doanh-nghiep-gui-tam-thu-toi-bo-truong-vi-sao-khoai-tay-viet-nam-chi-de-nau-canh-post799860.html