Doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại do 'đói vốn'

Hiện nay có rất nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp, tuy nhiên, tỷ lệ thất bại không hề nhỏ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) bị 'đói vốn'.

Ông Phạm Anh Cường chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: M. Thúy

Ông Phạm Anh Cường chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: M. Thúy

Đây là thông tin được ông Phạm Anh Cường - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB đưa ra tại “Diễn đàn đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức, chiều 7/8 tại Hà Nội.

Theo ông Phạm Anh Cường, nếu như các startup tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá cao, đổi mới sáng tạo (ĐMST) thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) lại kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đã có trên thị trường. Startup có thể tăng trưởng nhanh và không giới hạn, nhưng SMEs tăng trưởng vừa phải và có sức giới hạn tăng trưởng.

Do mang yếu tố tiên phong nên chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của startup trong những năm đầu rất cao để tìm ra mô hình vững vàng và sản phẩm “key”, trái ngược hoàn toàn với doanh nghiệp SMEs.

Vì vậy, đối với startup, nhà đầu tư sẽ nhìn vào tiềm năng phát triển để quyết định đầu tư nên các startup sẽ đi gọi vốn từ các nhà đầu tư, còn các SMEs sẽ đi vay từ các ngân hàng.

"Startup sẽ không thể vay ngân hàng như SMEs vì vay ngân hàng đòi hỏi tạo ra lợi nhuận sớm. Dĩ nhiên, nhà đầu tư sẽ không đòi hỏi lợi nhuận ngay mà yêu cầu giá trị tỷ lệ nắm giữ trong dự án start-up đó ngày càng tăng trưởng" - ông Phạm Anh Cường nói.

Tỷ lệ thất bại của các startup không hề nhỏ, do những nguyên nhân chính: Hết tiền/ không huy động được vốn mới (chiếm 38%); Không có nhu cầu thị trường (chiếm 35%); Vượt quá khả năng của doanh nghiệp (chiếm 20%); Sai mô hình kinh doanh (chiếm 19%); Các thay đổi về quy định/pháp lý (chiếm 18%); Các vấn đề về giá cả/chi phí (chiếm 15%); Các vấn đề về team/nhóm (chiếm 14%); Sản phẩm được sử dụng sai (chiếm 10%); Sản phẩm kém (chiếm 8%).

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB Phạm Anh Cường

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều thách thức, ông Phạm Anh Cường cho rằng, các mô hình khởi nghiệp ĐMST sẽ giúp tạo ra môi trường khuyến khích kiến tạo những giải pháp mới, công cụ mới; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính khu vực, toàn cầu; Thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung.

Quang cảnh “Diễn đàn đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”. Ảnh: M. Thúy

Quang cảnh “Diễn đàn đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”. Ảnh: M. Thúy

Đánh giá về thực trạng của khởi nghiệp ĐMST và các doanh nghiệp ĐMST trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo ông Phạm Anh Cường, tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ở Việt Nam cao hơn hầu hết các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Những năm gần đây tỷ lệ này có phần chững lại nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại lại được tăng lên.

Thiếu vốn chính là trở ngại với các startup giai đoạn đầu, đặc biệt là những doanh nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Trong giai đoạn ban đầu, khi mô hình doanh nghiệp còn chưa được chuyên nghiệp hóa, các nhà đầu tư có vai trò quan trọng trong cấp vốn. Tuy nhiên, các quỹ và các nhà đầu tư trong nước còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, trong đó, khung pháp lý chưa tạo động lực để nhiều quỹ đăng ký, dẫn đến tổng đầu tư còn nhỏ.

Chính vì vậy, các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ngày càng xuất hiện nhiều, nhằm hỗ trợ startup ĐMST hoàn thiện ý tưởng, dịch vụ, mô hình kinh doanh và hỗ trợ kết nối đầu tư.

Số lượng quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam.

Hiện nay, vườn ươm doanh nghiệp được xem là công cụ kinh tế quan trọng và cơ bản để thúc đẩy các doanh nghiệp mới khởi sự hình thành và phát triển, tạo việc làm, thúc đẩy môi trường kinh doanh ở địa phương, thương mại hóa ý tưởng kinh doanh, xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của các cụm công nghiệp.

Ở một hệ sinh thái còn khá trẻ như hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động xã hội ở Việt Nam, ông Phạm Anh Cường cho rằng, các tổ chức này sẽ tiếp thêm can đảm cho những người muốn trở thành khởi nghiệp nhưng còn thiếu kiến thức và mối quan hệ. Đồng thời, cung cấp cho họ những khung làm việc có sẵn và những người cố vấn dày dặn kinh nghiệm cũng như các chương trình đào tạo cho starup để nâng cao nguồn vốn con người…

"Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh có thể được coi là nơi “tiếp nhiên liệu” ngay từ bước đầu để một startup có thể cất cánh", ông Phạm Anh Cường khẳng định./.

M. THÚY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doanh-nghiep-khoi-nghiep-that-bai-do-doi-von-33590.html