Doanh nghiệp không tự công bố thực phẩm bổ sung, sẽ chặn thổi phồng công dụng
Trước hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất siết chặt quản lý với biện pháp, doanh nghiệp sẽ không được tự công bố thực phẩm bổ sung mà bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm.

Tự công bố sản phẩm và thiếu hậu kiểm đã tạo cơ hội cho hàng giả trong lĩnh vực y tế. Ảnh minh họa.
Chấm dứt tự công bố sản phẩm
Sau hàng loạt vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) gây bức xúc dư luận, như: quảng cáo sai sự thật, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng giả, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã chỉ đạo Bộ Y tế “rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp phù hợp về quản lý ATTP đối với một số loại sản phẩm thực phẩm mà người sản xuất được tự công bố hoặc công bố và đăng ký công bố mới được đưa vào lưu thông”.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15/2018/NĐ-CP (gọi tắt là Dự thảo). Điểm nhấn lớn nhất của Dự thảo là quy định doanh nghiệp không được tự công bố thực phẩm bổ sung như trước, mà bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm để cơ quan quản lý thẩm định và hậu kiểm.
Theo Bộ Y tế, thực phẩm bổ sung được tự công bố - dẫn đến tình trạng doanh nghiệp cố tình xếp sản phẩm sai nhóm, thổi phồng công dụng, không tuân thủ chất lượng. Khi bị phát hiện, sản phẩm đã lưu thông rộng rãi, khó xử lý triệt để.
Vì vậy, Dự thảo quy định rõ nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi phải đăng ký bản công bố kèm hồ sơ chi tiết thành phần, chỉ tiêu an toàn, tính năng, công dụng.
Siết chặt điều kiện sản xuất, tăng cường hậu kiểm
Dự thảo cũng bắt buộc các cơ sở sản xuất nhóm sản phẩm trên phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, ISO 22000, hoặc tương đương. Biện pháp này nhằm đảm bảo sản phẩm lưu thông đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” trên thị trường thực phẩm bổ sung.
Ngoài ra, Dự thảo quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký phải xây dựng kế hoạch hậu kiểm, lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm trên thị trường. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng có quyền thu hồi giấy chứng nhận, tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm cho đến khi khắc phục xong.

Sữa giả bị cơ quan chức năng thu giữ.
Kiểm soát chặt quảng cáo, trách nhiệm liên ngành
Để ngăn chặn quảng cáo sai sự thật, Dự thảo yêu cầu giám sát hoạt động quảng cáo trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, đặc biệt là các KOL, người ảnh hưởng. Các bên tham gia quảng cáo phải công khai mối quan hệ tài trợ, tuân thủ bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo.
Dự thảo cũng phân công rõ trách nhiệm cho các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Công an, UBND cấp tỉnh, nhằm ngăn chặn sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, quảng cáo sai, kiểm soát giá sữa dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá.
Thay đổi nội dung, phương thức kiểm tra ATTP nhập khẩu; xác định rõ trường hợp miễn kiểm, kiểm hồ sơ, kiểm cảm quan, hoặc bắt buộc lấy mẫu kiểm nghiệm để đảm bảo kiểm soát chất lượng nguyên liệu phục vụ sản xuất nội bộ. Đây là điểm mới quan trọng, phù hợp thực tiễn quản lý và pháp luật chuyên ngành.
Bộ Y tế cho biết do nội dung sửa đổi vượt quá một nửa số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Bộ đang xin phép ban hành nghị định mới thay thế. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý mới, đồng bộ, hiệu lực cao hơn để tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trước tình trạng vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng diễn biến ngày càng phức tạp.