Doanh nghiệp linh hoạt giữ việc cho người lao động

Từ đầu năm đến hết quý III/2023, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên gặp khó khăn trong sản xuất do chuỗi cung ứng toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên gặp khó khăn trong sản xuất do chuỗi cung ứng toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, thời gian qua, khá nhiều DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, nên phải cắt giảm lao động hoặc cho công nhân nghỉ luân phiên.

Chị Lương Thị Trang, Trưởng phòng Nhân sự DN vendor, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT), cho hay: Chúng tôi hoạt động từ năm 2016, chuyên sản xuất camera và các phụ kiện cho SEVT. Nếu như đầu năm 2023, DN có 380 lao động, thì đến thời điểm hết tháng 9/2023 giảm còn 320 lao động. Do khó khăn về đơn hàng nên chúng tôi đã phải cho lao động nghỉ luân phiên. Trong thời gian công nhân nghỉ luân phiên, chúng tôi chi trả 70% lương để hỗ trợ người lao động.

Theo đại diện một DN tại Khu công nghiệp Điềm Thụy: Có thời điểm, ở một số khâu, chúng tôi chỉ bố trí lao động làm 5 ngày/tuần, khâu nào không cần thiết thì không làm thêm giờ. Nhưng DN vẫn giữ lao động chứ không cắt giảm, vì lo ngại khi có lại nhiều đơn hàng sẽ không tuyển được nhân sự, nhất là người có tay nghề.

Theo thống kê của ngành chức năng, tại thời điểm 1/9/2023, số lao động đang làm việc trong các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 0,08% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 5,31% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực DN công nghiệp Nhà nước giảm 0,04% so với tháng trước và giảm 3,38% so với cùng kỳ; DN ngoài quốc doanh giảm 1,32% so với tháng trước và tăng 0,88% so với cùng kỳ; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 0,39% so với tháng trước và giảm 7,71% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, số lao động làm việc trong các DN công nghiệp giảm 8,28% so với cùng kỳ. Chia theo loại hình, DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm lao động nhiều nhất, với 10,94%, tiếp đến là DN Nhà nước giảm 3,63%, DN ngoài Nhà nước giảm 2,64%.

Chia theo ngành hoạt động, ngành Khai khoáng giảm 8,49% số lao động so với cùng kỳ; ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,49%; ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,25%; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,17%.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, số lao động sụt giảm khá nhiều ở một số DN lớn, cụ thể như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên thời điểm tháng 12/2022 có 33.846 lao động, đến tháng 6/2023 còn 29.688 lao động (giảm 4.158 lao động); Công ty TNHH New One Vina thời điểm tháng 12/2022 có 1.803 lao động, đến tháng 6/2023 còn 1.111 lao động (giảm 692 người); Công ty TNHH SR Tech thời điểm tháng 12/2022 có 2.225 lao động, đến tháng 6/2023 còn 2.017 lao động (giảm 208 lao động)…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý DN (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh), cho biết: Tính đến tháng 6/2023, số lao động tại các khu công nghiệp trong tỉnh giảm 6.624 người và đến thời điểm tháng 9/2023 giảm khoảng 12.000 lao động so với thời điểm đầu năm 2023. Một số DN gặp khó khăn do đơn hàng giảm nhiều, phải dừng sản xuất để cải tạo nhà xưởng.

Trước tình hình này, thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các DN trong và ngoài nước để lắng nghe, chia sẻ và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN. Đối với những vướng mắc, tồn tại, tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ cho DN, nhất là về vốn, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại...

Về phía các DN cũng đang nỗ lực cải tiến dây chuyền sản xuất, thay đổi hướng sản xuất, tìm kiếm đơn hàng tại các thị trường mới, hỗ trợ "mua cho nhau, bán cho nhau" giữa các DN... để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Mặt khác, trong bối cảnh còn nhiều biến động về kinh tế, các DN đang trong quá trình nỗ lực phục hồi, tìm kiếm đơn hàng mới, người lao động cũng được khuyến khích không nên nôn nóng rời bỏ nhà máy, DN, thay vào đó cần chủ động nâng cao trình độ tay nghề, đáp ứng xu thế phát triển mới...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/202310/doanh-nghiep-linh-hoat-giu-viec-cho-nguoi-lao-dong-2fa259b/