Doanh nghiệp logistics đã đưa 'xanh hóa' vào chiến lược kinh doanh

Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp logistics đã nhận thức được vai trò của logistics xanh trong phát triển bền vững và thực tế đã có tới 60% doanh nghiệp ngành này đã thực hiện các giải pháp về môi trường.

“Logistics xanh” là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng mà DN logistics là chủ thể quan trọng nhất, để hoàn thành tốt Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam đang đề ra và thực hiện trong Thế kỷ XXI, từ đó giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường.

Doanh nghiệp logistics đang tích cực đầu tư

Tại tọa đàm thông tin về hoạt động logistics Việt Nam và Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) với chủ đề “Logistics xanh - nền tảng phát triển bền vững” do Bộ Công Thương, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức chiều 14/5 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc kinh doanh Cảng quốc tế Long An cho biết, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường và khách hàng, những năm gần đây Cảng đã phải đầu tư rất mạnh vào trang thiết bị hạ tầng cảng cũng như các dịch vụ hậu cần logistics. Cảng cũng tích cực cải tiến về mặt công nghệ để mang đến những dịch vụ tốt nhất nhằm đáp ứng tất cả những giải pháp và yêu cầu của khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc kinh doanh Cảng quốc tế Long An

Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc kinh doanh Cảng quốc tế Long An

“Cảng đã và đang cung cấp các dịch vụ về cảng biển, dịch vụ hậu cần với những chi phí hiệu quả cho các DN trong và ngoài nước. Cảng còn có các dịch vụ mang đến giải pháp logistics trọn gói thiết thực nhất cho các DN, hướng đưa Cảng quốc tế Long An trở thành Trung tâm logistics quan trọng của vùng ĐBSCL”, bà Ngọc cho biết.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Lê Đức Khôi - CEO ITL Logistics - Thành viên Tập đoàn ITL cho biết, qua 24 năm phát triển, hiện nay ITL là 1 trong những đơn vị dẫn đầu ngành vận tải hàng hóa và logistics, sở hữu hệ sinh thái logistics mở mang tính chia sẻ, bao gồm chuỗi cung ứng về vận chuyển hàng không, vận tải quốc tế và vận tải nội địa cũng như giải pháp logistics cảng và hậu cần sau cảng.

“Trong năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi. Cùng với đó, sự phát triển của thương mại điện tử, những cải thiện về hạ tầng giao thông cũng như khả năng kết nối hạ tầng viễn thông tốc độ cao, xu hướng chuyển đổi số và tự động hóa, sự gia tăng đáp ứng nhu cầu logistics xanh… đó là những yếu tố tạo nên động lực tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam”, ông Khôi kỳ vọng.

Tại tọa đàm thông tin về hoạt động logistics Việt Nam và Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024)

Tại tọa đàm thông tin về hoạt động logistics Việt Nam và Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024)

Nhận thức đồng bộ để có giải pháp logistics xanh hiệu quả

Đề cao tiêu chí logistics xanh, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đánh giá, trong bối cảnh hiện nay nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để “xanh hóa” ngành logistics, trong tương lai các DN sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước cũng như toàn cầu.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Ông Khoa đưa ra khảo sát của VLA cho thấy, có tới 73,2% DN cho biết, logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Điều này cho thấy nhiều DN đã nhận thức được vai trò của logistics xanh trong phát triển bền vững. Bên cạnh đó, có tới 60% DN cho biết đã thực hiện các giải pháp về môi trường.

“Việt Nam đã có các DN logistics lớn phát triển được mô hình cảng xanh, bưu cục chuyển phát và kho bãi xanh. Trong khi đó, các DNNVV với lợi thế linh hoạt đang hưởng ứng xu hướng logistics xanh và lan tỏa thông điệp có ý nghĩa về môi trường và thực hiện chiến lược bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu…”, ông Khoa nhìn nhận.

Giải thích thêm vấn đề chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam rẻ hơn trong nước, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, chi phí logistics đặc biệt đối với hàng hóa qua thương mại điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam rất thấp khi hiện nay Trung Quốc đã xác định rõ mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa dọc các tuyến biên giới.

“Trung Quốc chủ trương dự trữ nguồn hàng rất gần biên giới Việt Nam đã tạo nên sự thuận tiện nhất định cho dịch vụ logistics. Khi có các đơn hàng từ phía Việt Nam, họ chỉ cần vận chuyển qua biên giới và có sự hỗ trợ của thương mại điện tử nên thời gian giao hàng rất nhanh và chi phí rất rẻ, nhất là tại khu vực miền Bắc. Đây là quy trình mà các DN logistics nói chung cũng như các DN thương mại điện tử nói riêng có thể tham khảo học tập với mục tiêu đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh, rẻ và thuận tiện nhất”, ông Hải lưu ý.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Nói về các giải pháp thúc đẩy logistics Việt Nam trong thời gian tới từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải cho biết, một giải pháp cần phải làm ngay đó là cần thống nhất nhận thức đồng bộ về vai trò của logistics từ đó có chìa khóa triển khai.

“Nếu không có nhận thức tương đối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các hiệp hội và các tổ chức hỗ trợ xúc tiến cho đến các DN và chủ hàng… những giải pháp logistics đưa ra có vẻ tốt và hay nhưng quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi có sự thống nhất sẽ tạo ra quyết tâm để cải thiện vai trò của logistics”, ông Hải khẳng định.

Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) diễn ra từ ngày 1-3/8/2024 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) - 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP.HCM với quy mô dự kiến 480 gian hàng của 350 DN tham gia trên diện tích trưng bày lên đến 9.000m2.

Tham gia VILOG 2024, các DN sẽ giới thiệu các giải pháp “xanh hóa” logistics qua 5 lĩnh vực chính: Vận tải và chuyển phát; Công nghệ nhà kho thông minh; Chuỗi lạnh; Công nghệ thông tin và hàng không, qua đó trình diễn các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và chiến lược tiên tiến nhằm ưu tiên khía cạnh bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn ngành. Đồng thời cung cấp một cái nhìn toàn diện về các tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực logistics xanh.

Theo Ban tổ chức, đến thời điểm hiện tại, VILOG 2024 đã có SeaRates by DP World (UAE) là nhà tài trợ chính cùng 4 nhà đồng tài trợ là JGL Worldwide (Singapore), ITL (Việt Nam), Cảng Quốc tế Long An (Việt Nam) và Tập đoàn DHL (DHL Supply Chain Việt Nam và DHL Global Forwarding Việt Nam). Đây là những DN logistics hàng đầu trên thế giới và Việt Nam với bề dày thành tích cùng sự chuyên nghiệp, sẽ làm tăng thêm trải nghiệm cho tất cả các DN tham dự VILOG 2024

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-logistics-da-dua-xanh-hoa-vao-chien-luoc-kinh-doanh-post1095143.vov