Doanh nghiệp mong giảm lãi suất vay vốn để vực dậy sản xuất, kinh doanh

Mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với dòng vốn nhằm vực lại sản xuất, kinh doanh sau nhiều năm khó khăn, suy giảm do ảnh hưởng tiêu cực từ 'bão' dịch và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Song, đến nay, lãi suất cho vay vẫn được đánh giá là cao là một trong những rào cản cơ bản nhất ngăn doanh nghiệp có được nguồn tiền đầu tư, quay lại quỹ đạo tăng trưởng.

Các doanh nghiệp mong tiếp cận nguồn rốn rẻ để tăng trưởng. Ảnh tư liệu

Các doanh nghiệp mong tiếp cận nguồn rốn rẻ để tăng trưởng. Ảnh tư liệu

Khó khăn của doanh nghiệp vẫn hiện hữu tứ bề

Chia sẻ với phóng viên về tình hình hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme), cho rằng bước sang năm 2024, doanh nghiệp Việt mang tinh thần vươn lên tìm hướng đi mới, chú trọng thúc đẩy khai thác kinh tế số, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế. Quý I/2024 sắp trôi qua, hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đang trên đà phục hồi và bước đầu tăng trưởng.

“Tuy nhiên, bối cảnh xung đột quân sự ở một số khu vực trên thế giới cùng sự bấp bênh, suy giảm của thị trường toàn cầu đang gây ra không ít tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Trong khi đó, bản thân "sức khỏe", nội lực của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa khá yếu ớt và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức” - ông Nam nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhìn các con số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm nay là thấy rõ khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu. Cụ thể, chỉ số này chỉ tăng 8,1% so với mức gần 15% của cùng kỳ năm trước. Thậm chí, nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng có 5%, trong khi cùng kỳ tăng 10,9%. Thị trường im lìm thì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đương nhiên bị trì trệ bởi hàng hóa không bán được. Hệ quả là có tới 62.977 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 2 tháng qua, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 41.097 doanh nghiệp. Những con số “biết nói” cho thấy một thực trạng là chưa bao giờ khu vực doanh nghiệp tư nhân nước ta lại khó khăn như hiện nay.

Đa số doanh nghiệp chia sẻ rằng, căn nguyên của những khó khăn đều bắt nguồn từ việc “khan vốn, cạn tiền”, không có tài chính để duy trì và mở rộng hoạt động. “Con đường để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng quá gian nan, bởi rất nhiều rào cản như quy định điều kiện vay, thủ tục pháp lý và nhất là mức lãi suất còn cao, lên tới 10 - 12%” - bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc một doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, với ngành dệt may, hiện lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%, trong khi đó, ở nước ta hiện mức vay trung bình khoảng 7% - 9%.

Rất cần sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả hơn

Báo cáo kinh tế cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,84%. Mà lạm phát có dấu hiệu gia tăng sẽ gây ra ảnh hưởng bất lợi đến giảm lãi suất và đẩy nhanh việc tăng tín dụng. Đó là còn chưa kể đến sự “dậy sóng” của tỷ giá USD sẽ càng khiến nỗ lực giảm lãi suất huy động và cho vay gặp thách thức.

Tuy nhiên, dù tình hình có biến động như thế nào thì theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ và các ban ngành liên quan vẫn cần hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp có tồn tại và khỏe mạnh thì nền kinh tế mới ổn định, phát triển.

Đại diện Vinasme cho rằng, nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải vay với mức lãi suất cao hơn nhiều so với mức công bố trên các phương tiện truyền thông. Đề nghị các ngân hàng công khai minh bạch thông tin về lãi suất cho vay với tỷ lệ bao nhiêu và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải kiểm tra, xem xét hệ thống ngân hàng có thực hiện đúng tỷ trọng cho vay hay không.

Còn theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), doanh nghiệp dệt may nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung đều mong hệ thống ngân hàng hỗ trợ tối đa mức lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn…

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giảm lãi suất, giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho cộng đồng doanh nghiệp quan trọng nhưng chỉ là một phần. Nước ta nên có những chính sách hỗ trợ về tài chính khác được thiết kế, may đo riêng cho từng khu vực doanh nghiệp cụ thể. “Bản thân doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn thông qua việc tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, có các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… Vì điều này chính là cơ sở quan trọng để ngân hàng quyết định cho vay hay từ chối doanh nghiệp” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, nhất là về giảm mặt bằng lãi suất cho vay. NHNN ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, trong đó có một nội dung nổi bật là cho phép khách hàng có thể vay tiền tại ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Thông tư này đang có tác động mạnh tới mặt bằng lãi suất cho vay, sự cạnh tranh và thị phần giữa các nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia đánh giá, có một số hạn chế khiến cho không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được các gói cho vay ưu đãi. Trong đó phải kể đến việc phát sinh các các khoản phí khi trả nợ trước hạn tại ngân hàng hiện tại và các khoản phí phát sinh khi vay tại ngân hàng mới, khiến việc chuyển đổi khoản vay giảm hiệu quả và chỉ phù hợp với các khoản vay đang còn thời gian dài và giá trị lớn.

Bên cạnh đó, khi thực hiện, các tài sản thế chấp cho các khoản vay hiện tại của doanh nghiệp, cá nhân sẽ bị định giá lại. Để có thể tìm được khoản vay mới tốt hơn thì buộc khách hàng cần có thêm tài sản thế chấp bổ sung... làm giảm khả năng vay của khách hàng. Trong khi đó, các ngân hàng lớn ưu tiên lựa chọn các khách hàng có tài chính lành mạnh, giá trị khoản vay lớn...

"Bản thân doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn thông qua việc tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, có các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… Vì điều này chính là cơ sở quan trọng để ngân hàng quyết định cho vay hay từ chối"

Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-mong-giam-lai-suat-vay-von-de-vuc-day-san-xuat-kinh-doanh-147355.html