Doanh nghiệp mong mỏi những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn
Chiều 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt với đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Tổng doanh thu doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 16,17%
Tại cuộc gặp mặt, báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường thời gian gần đây có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách.
Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Trong 9 tháng đầu năm, các khoản nộp ngân sách qua thuế giá trị gia tăng đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 248 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ.
Một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp trong một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan.
Trong nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu gạo 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ, vượt mức xuất khẩu cao nhất 3,65 tỷ USD từng đạt năm 2011.
Trong 9 tháng, du lịch Việt Nam đón gần 9 triệu lượt khách với tổng doanh thu ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 48% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng, tăng 16%.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm. “Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, các kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
4 nhóm vấn đề nổi cộm
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ nêu trên, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 4 nhóm vấn đề nổi cộm.
Thứ nhất, sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm.
Khảo sát doanh nghiệp ngành sản xuất vào tháng 6/2023 của Navigos cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm từ 10% - 40% tổng doanh thu, trong đó 44% doanh nghiệp ngành dệt may/da giày và 35% ngành sản xuất vật liệu xây dựng sụt giảm từ 20 - 40% doanh thu.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và phản ánh từ các hiệp hội, mặc dù một số doanh nghiệp đã bắt đầu nhận được đơn hàng mới trong quý III, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng.
Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 13%, dệt may giảm 12%, giày dép giảm 18%, thủy sản giảm 22%. Trong ngành gỗ, nhu cầu giảm mạnh khoảng 3 tỷ USD, tương ứng 25% so với cùng kỳ. Doanh số bán ô tô của các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn năm 2021, thời kỳ đỉnh dịch Covid-19.
Việc thiếu đơn hàng, sụt giảm doanh thu khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong giữ chân người lao động để chờ đợi thị trường phục hồi. Không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động...
Thứ hai, doanh nghiệp đối mặt với áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao trong khi hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu bị ép giảm giá bán từ 30 - 40% so với trước.
Các doanh nghiệp tiếp tục phản ánh khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ qua các gói tín dụng do các điều kiện, thủ tục phức tạp, lo ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra.
Vấn đề khó khăn thứ ba là vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý “sợ sai”, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm dỡ bỏ các rào cản, khó khăn về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Cùng với việc ban hành Nghị định số 73 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về trách nhiệm thực thi công vụ nên một số bộ ngành, địa phương đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh các khó khăn, bất cập mới nảy sinh cộng với tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm”, đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức.
Cuối cùng, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước tạo áp lực lớn về chi phí tuân thủ, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo phản ánh của các hiệp hội, việc EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), thực hiện Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn (F2F) sẽ là thách thức lớn trong khi hầu hết các doanh nghiệp của ta chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức và nguồn lực để tuân thủ các quy định này.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, EU tiếp tục gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, ưu tiên nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp nội khối và các nước láng giềng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; chỉ đạo các thành viên Chính phủ làm việc thường xuyên với các địa phương, thành lập các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Các chính sách được ban hành vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều mong mỏi, kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước để đồng hành cùng doanh nghiệp, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ để phục hồi và phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.