Doanh nghiệp Mỹ cân nhắc giảm đầu tư vì cách chống dịch của Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp Mỹ cân nhắc giảm đầu tư nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid. Một số nhà sản xuất cũng tính đến chuyển hoạt động ra khỏi đất nước 1,4 tỷ dân.

Theo cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Trung Quốc, hơn một nửa doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đã cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm do làn sóng dịch Covid-19 mới.

Amcham Bắc Kinh và Thượng Hải đã khảo sát 167 doanh nghiệp thành viên hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm 76 nhà sản xuất. Thượng Hải - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nước ngoài - vừa tiến hành phong tỏa theo 2 giai đoạn sau khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt.

Cuộc khảo sát cho thấy 54% doanh nghiệp thành viên được khảo sát đã hạ dự báo doanh thu năm 2022 do đợt bùng phát Covid-19 mới. Hơn 80% nhà sản xuất thừa nhận hoạt động sản xuất chậm lại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

 Chính quyền Thượng Hải cho biết giao thông công cộng, bao gồm cả các dịch vụ gọi xe công nghệ, sẽ bị ngừng trong quá trình phong tỏa. Ảnh: Bloomberg.

Chính quyền Thượng Hải cho biết giao thông công cộng, bao gồm cả các dịch vụ gọi xe công nghệ, sẽ bị ngừng trong quá trình phong tỏa. Ảnh: Bloomberg.

Giảm đầu tư

Gần như tất cả (99%) cho biết đợt bùng phát mới đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Bắc Kinh theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) kể từ thời kỳ đầu của đại dịch hồi năm 2020. Các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó trong việc đưa chuyên gia sang Trung Quốc vì thời gian cách ly lâu.

Nếu các hạn chế chống Covid-19 của Trung Quốc vẫn được áp dụng trong năm tới, một nửa số doanh nhân được hỏi cho biết sẽ giảm đầu tư. Gần 75% thừa nhận rằng việc duy trì những hạn chế khiến doanh thu và lợi nhuận lao dốc.

Gần 20% nhà sản xuất cho biết sẽ chuyển sản xuất hoặc hoạt động ra khỏi Trung Quốc nếu các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt vẫn được duy trì.

Hôm 28/3, Thượng Hải cho biết sẽ phong tỏa thành phố 26 triệu dân theo 2 giai đoạn khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao. Theo chính quyền thành phố, việc phong tỏa và xét nghiệm diễn ra trong vòng 9 ngày.

Theo đó, khoảng 11 triệu dân tại các quận ở phía đông và một số quận phía tây sông Hoàng Phố sẽ bị phong tỏa từ ngày 28/3 đến 1/4. Các quận còn lại với khoảng 14 triệu dân phong tỏa từ ngày 1 đến 5/4.

 Gần 20% nhà sản xuất Mỹ cho biết sẽ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nếu các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt vẫn được duy trì. Ảnh: Reuters.

Gần 20% nhà sản xuất Mỹ cho biết sẽ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nếu các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt vẫn được duy trì. Ảnh: Reuters.

Trên mạng xã hội WeChat, chính quyền Thượng Hải cho biết giao thông công cộng, bao gồm cả các dịch vụ gọi xe công nghệ, tại những khu vực này sẽ bị ngừng trong quá trình phong tỏa.

Phương tiện giao thông cũng không được lưu thông trên đường nếu không được cho phép. Thêm vào đó, tất cả công ty và nhà máy phải dừng sản xuất hoặc chuyển sang làm việc từ xa, trừ những công ty cung cấp dịch vụ công hoặc thực phẩm.

Các biện pháp phong tỏa thành phố 26 triệu dân đang khiến công suất của cảng container lớn nhất thế giới ở Thượng Hải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gã khổng lồ vận tải AP Moller-Maersk cũng đã đóng cửa một số cơ sở tại Thượng Hải.

Trước đó, Trung Quốc cũng phong tỏa Thâm Quyến nhằm kiểm soát làn sóng dịch bệnh. Các công ty ở Thâm Quyến như nhà cung cấp Hon Hai Precision Industry của Apple Inc. (hay còn được gọi là Foxconn) đã phải đóng cửa trong phòng một tuần.

Ở Trường Xuân - trung tâm công nghiệp chiếm khoảng 11% tổng sản lượng ôtô hàng năm của Trung Quốc vào năm 2020, các nhà sản xuất như Toyota Motor Corp. cũng buộc phải đóng cửa.

Tác động nặng nề

Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) trong tháng 3 chỉ ra hoạt động của các nhà máy tại trung tâm công nghệ - thương mại Thâm Quyến và thành phố ôtô Trường Xuân đã bị cắt giảm. Lĩnh vực dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhà hàng và cửa hàng bán lẻ đóng cửa vì những hạn chế mới.

Việc các hoạt động sản xuất bị ngưng trệ trong tháng 3 là chưa từng có. Bởi chỉ số này thường tăng so với tháng 2, khi mọi người trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Giới quan sát cảnh báo tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 4. Tăng trưởng quý II/2022 có khả năng lao dốc bởi những bất ổn liên quan đến các lệnh phong tỏa tại đất nước 1,4 tỷ dân.

Thượng Hải bắt đầu bị phong tỏa vào cuối tháng 3. Do đó, các hoạt động kinh tế có thể giảm tốc trong tháng 4

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Ltd.

Theo tính toán của Goldman Sachs, các khu vực bị ảnh hưởng chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Natixis SA ước tính tốc độ tăng trưởng trong quý I đã giảm 1,8 điểm phần trăm do những biện pháp nghiêm ngặt nhằm chống dịch.

"Thượng Hải bắt đầu bị phong tỏa vào cuối tháng 3. Do đó, các hoạt động kinh tế có thể giảm tốc trong tháng 4", ông Zhang Zhiwei - nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Ltd. - cảnh báo.

Khoảng 50% trong số các doanh nhân Mỹ được khảo sát hài lòng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc. Nhưng nhiên, họ vẫn không hài lòng về thời gian cách ly bắt buộc, những hạn chế đi lại và số chuyến bay đến Trung Quốc.

3 khuyến nghị hàng đầu từ các doanh nghiệp thành viên của AmCham là cho phép cách ly tại nhà hoặc những lựa chọn khác, đơn giản hóa các yêu cầu nhập cảnh và tăng số lượng chuyến bay tới Trung Quốc.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-my-can-nhac-giam-dau-tu-vi-cach-chong-dich-cua-trung-quoc-post1306703.html