Doanh nghiệp Mỹ làm gì để ứng phó với áp lực thuế quan?
Với áp lực thuế quan mới, các doanh nghiệp Mỹ đang thực hiện gửi hàng vào kho ngoại quan nhằm hoãn nộp thuế và điều chỉnh mã hàng hóa để hưởng mức thuế thấp hơn.

Tàu hàng tại Cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chỉ vài tháng trước, những cụm từ như “kho ngoại quan” hay “hệ thống hài hòa” (hệ thống được tiêu chuẩn hóa quốc tế về tên gọi và mã số để phân loại hàng hóa) có lẽ còn xa lạ với nhiều chủ doanh nghiệp Mỹ. Nhưng giờ đây, chúng đang trở thành tâm điểm chú ý khi trở thành giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua áp lực thuế quan.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 145% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với các mức thuế 25% lên ô tô, linh kiện, nhôm và thép, và 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác, các doanh nghiệp Mỹ đang tìm mọi cách để giảm chi phí nhập khẩu.
Hai chiến lược phổ biến và hợp pháp đang được sử dụng là: gửi hàng vào kho ngoại quan (khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu) nhằm hoãn nộp thuế và điều chỉnh mã hàng hóa để hưởng mức thuế thấp hơn.
Hiện có hơn 5.000 mã phân loại sản phẩm được các chính phủ trên thế giới sử dụng để áp thuế nhập khẩu. Đối với người tiêu dùng, việc chiếc áo khoác họ mặc được phân loại là áo gió hay áo mưa có thể không quan trọng. Nhưng với doanh nghiệp, sự khác biệt đó có thể quyết định mức thuế cao hay thấp - và ảnh hưởng đến khả năng sinh lời.
Để hưởng mức thuế thấp hơn, nhà sản xuất chỉ cần thay đổi một số chi tiết trong vật liệu sản phẩm - đây chính là hình thức “kỹ thuật thuế quan”. Ví dụ, đôi giày Converse All Stars có phần đế làm từ nỉ thay vì cao su hoàn toàn như giày thể thao thông thường. Sự thay đổi nhỏ này có thể khiến sản phẩm được phân loại là “dép đi trong nhà” theo mã thuế quan - một loại sản phẩm được áp thuế thấp hơn nhiều so với các loại giày dép khác. Columbia Sportswear từng công khai thừa nhận họ áp dụng "kỹ thuật thuế quan". Ông Jeff Tooze, Phó Chủ tịch phụ trách hải quan và thương mại toàn cầu của Columbia, cho biết công ty có một nhóm chuyên trách phối hợp với đội ngũ thiết kế để tính đến yếu tố thuế quan ngay từ khâu phát triển sản phẩm.
Theo ông Erik Smithweiss, luật sư tại hãng luật GDLSK chuyên về tuân thủ thương mại, ngay cả trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng thuế nhắm vào Trung Quốc và một số ngành cụ thể, vẫn có nhiều cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm nhằm giảm thuế.
Dù không thể tránh được mức thuế 20% áp dụng từ đầu năm nay, doanh nghiệp vẫn có thể né phần tăng thêm 125% vừa có hiệu lực tháng trước, nhờ một số mặt hàng đã được miễn thuế một cách âm thầm.
Trái ngược với việc điều chỉnh sản phẩm, chiến lược dùng kho ngoại quan cho phép doanh nghiệp nhập hàng vào Mỹ mà chưa phải nộp thuế, miễn là hàng hóa được lưu giữ trong kho đặc biệt do hải quan quản lý.
Hàng hóa có thể được giữ trong kho này tối đa 5 năm mà không phải đóng thuế. Doanh nghiệp chỉ nộp thuế khi lấy hàng ra, và áp dụng theo mức thuế hiện hành tại thời điểm đó - với kỳ vọng rằng thuế sẽ giảm trong ngắn hoặc trung hạn.
Bà Jennifer Hartry, Chủ tịch công ty môi giới hải quan Howard Hartry, chuyên cho thuê kho ngoại quan, cho biết 95% yêu cầu mà công ty bà nhận được hiện nay là với hàng hóa từ Trung Quốc. Trước đây, doanh nghiệp gia đình của bà ở gần cảng Los Angeles từng trải qua giai đoạn kinh doanh chậm chạp. Nhưng kể từ khi Tổng thống Trump áp hàng loạt thuế mới, hoạt động kinh doanh này đã “bùng nổ”.
Không có giới hạn về giá trị hàng hóa lưu trữ trong kho - giới hạn duy nhất là không gian thuê. Theo bà Hartry, hàng hóa của khách thuê có giá trị từ 37.000 USD đến 500.000 USD, bao gồm pin lithium, thanh kim loại và thiết bị điện tử như TV và máy chạy bộ. Dù hiểu rõ gánh nặng thuế quan mà các doanh nghiệp đang chịu, bà Hartry cũng thẳng thắn cho biết: “Chính điều đó đã cứu lấy công việc kinh doanh của chúng tôi”.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-my-lam-gi-de-ung-pho-voi-ap-luc-thue-quan/372707.html