Doanh nghiệp Mỹ lo gì khi đầu tư vào Việt Nam?
Thách thức về pháp lý, lao động, năng lượng tiếp tục khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn với nhà đầu tư Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn mở rộng vào Việt Nam
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đến từ Mỹ gần đây đã bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New York hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Đơn cử, lãnh đạo SpaceX, tập đoàn hàng đầu về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ truyền thông vệ tinh, cho biết, doanh nghiệp này dự kiến đầu tư khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam.
SpaceX cũng mong muốn được cấp phép đầu tư cung cấp dịch vụ internet vệ tinh tại thị trường này, theo TTXVN.
Lãnh đạo Coca-Cola tại cuộc gặp cũng chia sẻ mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Lũy kế tính đến nay, doanh nghiệp này đã rót hơn 1 tỷ USD, sở hữu ba nhà máy và hiện đang xây dựng nhà máy thứ tư tại Long An.
Bên cạnh là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu quan trọng, Mỹ còn là một trong những thị trường đóng góp lớn vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Đây là đối tác đầu tư lớn thứ 10 tại Việt Nam về tổng vốn đăng ký, đạt gần 630 triệu USD vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Trong thời gian tới, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước được đánh giá sẽ phát triển hơn nữa nhờ sự hỗ trợ tích cực từ vấn đề ngoại giao, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), nhận định tại Diễn đàn Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ mới đây.
Theo ông Tuấn, Việt Nam đang nỗ lực tạo ra môi trường kinh doanh tin cậy, mở cửa với các doanh nghiệp Mỹ. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp Mỹ đã có mặt tại đây, thể hiện sự tin tưởng vào tính ổn định của môi trường đầu tư và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý.
Trong thời gian tới, hai nước có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất, điện tử, năng lượng sạch, dịch vụ tài chính, kinh tế số và an ninh mạng.
Ông Michael Vũ Nguyễn, Giám đốc quốc gia của Boeing tại Việt Nam, tại diễn đàn, đánh giá, Việt Nam mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất Mỹ, đặc biệt là khu vực sản xuất công nghệ cao nhờ tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua, tỷ lệ dân số trẻ dưới 30 tuổi cao.
Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác, trong đó có cả những hiệp định thế hệ mới. Điều này đồng nghĩa rằng, Việt Nam sẽ ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó “có thể giúp quốc gia này trở thành trung tâm sản xuất trong tương lai”, vị này nhấn mạnh.
Doanh nghiệp lo lắng gì?
Lãnh đạo Boeing tại Việt Nam cho hay, trong thời gian tới, hãng sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đối tác, nâng cao khả năng của các nhà cung ứng tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển ngành hàng không.
Tuy nhiên, nỗ lực này phải đối mặt với những thách thức về hệ thống pháp lý, lực lượng lao động, nguyên liệu thô, vấn đề hậu cần và các đối tác địa phương.
Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề chậm trễ, pháp lý, năng lượng – đặc biệt là năng lượng sạch, yếu tố quan trọng với FDI chất lượng cao tại Việt Nam, theo khảo sát nhanh các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Ngoài ra, đào tạo cho lực lượng lao động cũng là vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Vấn đề lớn nhất mà Việt Nam cần đối mặt trong cạnh tranh thu hút FDI từ Hoa Kỳ từ góc nhìn, quan sát của tôi trong những năm qua là tham nhũng”, bà Bùi Kim Thùy, thành viên Hội đồng cố vấn Harvard – châu Á Thái Bình Dương, nói trong trao đổi tại diễn đàn.
Trong quá khứ, tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng, ngăn cản các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam – những nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm sự minh bạch và môi trường đáng tin cậy.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhà lãnh đạo đã cho thấy sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng.
“Vì thế, chúng ta có thể tin tưởng rằng, môi trường đầu tư tại Việt Nam trong tương lai sẽ tiếp tục được cải thiện, thu hút được các nhà đầu tư và dòng đầu tư chất lượng cao”, bà Thùy nhận định.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối mặt thách thức liên quan đến sở hữu trí tuệ. Việc thực thi sở hữu trí tuệ hiện chưa đủ tốt để khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Không chỉ vậy, thiếu lao động có kỹ năng được nhận định làm giảm sức hấp dẫn môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đi cùng với đó là quá trình ra quyết định chậm, đặc biệt ở cấp địa phương, khiến các dự án phải đình trệ và tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Thùy cũng lưu ý rằng, nhiều doanh nghiệp của Mỹ có trụ sở ở Singapore, Hồng Kông nên dòng vốn từ Mỹ vào Việt Nam không chỉ chảy trực tiếp từ thị trường này mà có thể gián tiếp từ các thị trường khác.
Bà Thùy khuyến nghị, Việt Nam có thể tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, không chỉ cho doanh nghiệp Mỹ mà còn cho các đối tác khác, bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo, minh bạch hóa khuôn khổ pháp luật và nâng cao tính minh bạch như giảm tham nhũng.
“Việt Nam có thể tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn trong tương lai gần, đặc biệt là cho phát triển sạch và bền vững”, bà Thùy nhấn mạnh.