Doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm
Để tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giảm tối đa chi phí trong sản xuất kinh doanh (SXKD), tỉnh đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT); liên kết doanh nghiệp (DN) địa phương và DN FDI để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Mới đây, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã ký biên bản ghi nhớ Dự án hợp tác hỗ trợ DN trong nước trong lĩnh vực CNHT ô tô. Đây là năm thứ ba, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác, điều này khẳng định nỗ lực của công ty trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, hỗ trợ các nhà cung cấp Việt và cam kết đồng hành cùng sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và ngành CNHT Việt Nam.
Là nhà sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam, có tiềm lực mạnh và đầu tư sản xuất với quy mô lớn, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã liên kết với các DN sản xuất phụ tùng linh kiện của Nhật vào Việt Nam đầu tư; nâng cấp công nghệ, phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng ngay tại nhà máy với quyết định đầu tư xưởng dập thân vỏ xe hoạt động vào năm 2003, góp phần đưa Toyota trở thành nhà sản xuất đầu tiên trong ngành hoàn thiện cả 5 công đoạn dập, hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra tại nhà máy.
Đến năm 2008, công ty tiếp tục đưa vào hoạt động xưởng sản xuất khung gầm với công suất 18.700 khung xe/năm. Đối với từng sản phẩm, ví dụ như mẫu xe Vios, mẫu xe CKD chiến lược của công ty, số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng.
Đến nay, Toyota là nhà sản xuất ô tô có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất với hơn 724 linh kiện (như thân xe, khung gầm, ghế, ắc quy...). Riêng giai đoạn 2020 – 2021, có 324 linh kiện mới được nội địa hóa.
Nội địa hóa chính là chìa khóa giúp DN làm chủ công nghệ, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm; đồng thời, DN cũng chủ động được nguồn cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng phục vụ sản xuất và gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
6 tháng đầu năm 2022, công ty đã xuất xưởng hơn 16.000 xe, doanh số bán hàng đạt gần 44.000 xe (bao gồm cả xe Lexus), tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021; mở rộng mạng lưới 3 đại lý mới, nâng tổng số đại lý Toyota lên 81 đại lý đặt tại 42 tỉnh, thành trên cả nước.
Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu linh kiện, phụ tùng của Toyota được đảm bảo với doanh thu 37 triệu USD, tăng 11%; đóng góp 615 triệu USD vào ngân sách nhà nước (NSNN), tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021.
Để tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm cho các DN, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách phát triển CNHT nhằm thu hút đầu tư nguồn lực xã hội; ban hành nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ; thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt và các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam.
Hỗ trợ các DN CNHT tham gia các hội chợ, triển lãm; xúc tiến kết nối đầu tư tại thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu; tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các DN sản xuất sản phẩm CNHT trong tỉnh.
Cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển các lĩnh vực CNHT thế mạnh, phù hợp với yêu cầu, định hướng của tỉnh đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước; có trên 50 DN có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản suất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử và cung ứng một phần cho các DN, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu.
Tận dụng tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương , của tỉnh, nhiều DN đã chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Qua đó, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu NSNN. 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt 20.650 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 8,0% so với cùng kỳ; tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong top 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.