Doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó trên thị trường quốc tế
Tận dụng các FTA để đa dạng hóa thị trường sẽ giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại trên thị trường quốc tế.
Quá trình hội nhập kinh tế đang giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt cũng là rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại. TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) - trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này.

Quá trình hội nhập kinh tế mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhưng khu vực kinh doanh này cũng đối diện không ít thách thức. Ảnh: TTXVN
Đến nay, quá trình hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức đặt ra với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Xin ông chỉ rõ một số hạn chế của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam?
- TS. Tô Hoài Nam: Như chúng ta thấy, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực trên thế giới. Những hiệp định này giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế với thuế suất giảm hoặc miễn thuế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam như nông sản, thủy sản và hàng công nghiệp nhẹ. Ngoài ra, FTA còn mang lại cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn. Đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, sự thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong hành trình hội nhập cũng là rất lớn, phải kể tới, như: Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ năng lực vốn và khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn và các đối thủ nước ngoài khi tham gia vào các thị trường quốc tế. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp không có bộ phận pháp chế chuyên trách, dẫn đến việc thiếu hiểu biết về các quy định pháp lý, hợp đồng thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, dễ gặp rủi ro trong giao dịch quốc tế.
Ngoài ra, mặc dù thuế quan giảm, các biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu khác vẫn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi xuất khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đối mặt với các rủi ro như biến động tỷ giá, giá nguyên liệu, hay các thay đổi chính sách thương mại quốc tế. Đây là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Trong các thách thức đang đặt ra, thời gian qua, các quốc gia gia tăng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, ông có chia sẻ gì về tác động của các biện pháp này?
- TS. Tô Hoài Nam: Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 12/2024 đã có 277 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong số vụ việc đều liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như: Tôm, cá tra, thép, gỗ mà những sản phẩm có giá trị xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy. Việc các quốc gia tăng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là xu thế tất yếu. Tuy vậy, xu thế bảo hộ gia tăng đang gây áp lực đối với doanh nghiệp, ngành hàng là rất lớn. Nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với chi phí gia tăng khi phải dành nhiều nguồn lực để tham gia, xử lý các vụ điều tra phòng vệ thương mại và đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài; giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu khi bị áp thuế, các nhà nhập khẩu sẽ e ngại hơn khi mua hàng từ các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước không bị áp thuế. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay phải kể tới mức độ hiểu biết về quy định, pháp luật phòng vệ thương mại các thị trường nhập khẩu của doanh nghiệp còn khiêm tốn.
Theo dự báo, mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc phòng vệ thương mại sẽ tăng lên. Như vậy, để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, theo ông doanh nghiệp cần có biện pháp ứng phó ra sao?
- TS. Tô Hoài Nam: Trước các thách thức từ biện pháp phòng vệ thương mại sẽ đặt ra những yêu cầu mới với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, việc nâng cao năng lực ứng phó với các vụ điều tra rất quan trọng khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường quốc tế.
Mặt khác, với việc tham gia, ký kết nhiều FTA, doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường khai thác lợi thế này để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo đó, ngoài việc đảm bảo tập trung tăng trưởng vào các thị trường lớn cần lên phương án tiếp cận với các thị trường khác, sẽ giúp cân bằng xuất khẩu trên phương diện khả năng ứng phó bù đắp về doanh thu và sản lượng cao hơn.
Đồng thời, doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi sát sao chính sách thương mại của các quốc gia, thị trường xuất khẩu như chính sách thuế, chính sách về nguồn gốc hàng hóa, an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Cùng với đó là các chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại. Trong đó, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần cân nhắc rủi ro về phòng vệ thương mại để xây dựng sản xuất, xuất khẩu hợp lý; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại.
Ngoài nỗ lực cải thiện năng lực của chính doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ông sự đồng hành từ phía cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng như thế nào?
- TS. Tô Hoài Nam: Trước hết, theo tôi, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, việc chủ động và tích cực của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thương mại quốc tế là cực kỳ cần thiết. Điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Theo đó, cơ quan, đơn vị cần xây dựng và tối ưu hóa các kênh thông tin, tư vấn chính thức trên nền tảng trực tuyến tập trung và chuyên biệt để doanh nghiệp nhanh chóng, dễ dàng tìm kiếm thông tin và dữ liệu cần thiết về các thị trường quốc tế, quy định xuất khẩu và cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên triển khai tổ chức các khóa học, hội thảo chuyên đề và chuyên sâu về thương mại quốc tế, nhất là phòng vệ thương mại; cùng các kỹ năng xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cũng như các vấn đề pháp lý liên quan; cung cấp và khuyến nghị doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng phó hiệu quả trước các thách thức từ thị trường quốc tế.