Doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất
Trước những khó khăn, thách thức, các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, mạnh dạn chuyển đổi số để phát triển. Các doanh nghiệp (DN) ý thức việc chuyển đổi số trở thành đòi hỏi thiết yếu và bắt buộc, có tính chất sống còn trong tiến trình phát triển bền vững.
Bình Dương tạo môi trường thuận lợi để DN tiếp cận với công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số. Trong ảnh: Những công nghệ hiện đại được trưng bày tại Hội chợ BIFA Wood Việt Nam 2022 đang diễn ra ở Bình Dương
Chủ động với 4.0
Theo bà Dương Tú Trinh, Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên (TX. Tân Uyên), trong những năm gần đây, Thượng Nguyên đã từng bước thành công trong “4.0” hóa toàn diện, trước tiên bằng việc chuẩn bị tư duy 4.0 cho tất cả các hoạt động kinh doanh, mạnh dạn đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua bán hàng online. “Thượng Nguyên đã chủ động đầu tư công nghệ để sản xuất các máy móc CNC hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đưa vào sử dụng công nghệ thông minh trong sản xuất máy chế biến gỗ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ phần mềm hiện đại để tối ưu hóa các chính sách bán hàng phù hợp. Chính vì vậy, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Thượng Nguyên nhanh chóng thích ứng và thay đổi, đạt được mức tăng trưởng tốt”, bà Dương Tú Trinh cho biết.
Theo ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, đối với các DN ngành sơn mài, chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp then chốt giúp DN tồn tại, tạo đột phá sau dịch bệnh Covid-19. “Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ có giải pháp hỗ trợ chi phí, phương án áp dụng công nghệ “thực tế ảo” vào trưng bày, triển lãm các sản phẩm cho các DN trong hiệp hội trên nền tảng trực tuyến nhằm quảng cáo thương hiệu, sản phẩm”.
Dù ý thức rất rõ việc chuyển đổi số là con đường duy nhất để DN vượt qua thách thức, tuy nhiên khác với một số DN có quy mô nhỏ, một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da đang rất nan giải để đẩy mạnh chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Các quy trình nếu đem ra áp dụng cho hàng ngàn lao động không hề dễ dàng nếu không được “cầm tay chỉ việc”, tư vấn cụ thể. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, cho biết: “Chúng tôi ý thức rất rõ ràng việc chuyển đổi số là con đường duy nhất. Tuy nhiên, hiện nay các DN ngành dệt may vốn yếu, lao động trình độ thấp nên việc chuyển đổi số gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn có chương trình hỗ trợ từ phía các sở ngành địa phương theo hướng thiết thực, cụ thể để có thể bắt nhịp được với xu hướng của thế giới”.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết yếu tố quyết định thành công của DN trong chuyển đổi số là con người, thể chế và công nghệ. Khó khăn, thách thức đối với DN là thay đổi thói quen, nhận thức. Rủi ro của môi trường số là an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm... Vì vậy, DN phải xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể, lập bộ phận chuyên trách thực hiện chuyển đổi số, đồng hành cùng chuyên gia tư vấn, thực hiện từng cột mốc cụ thể.
Để tạo điều kiện cho DN ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển các sản phẩm xanh, ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết đơn vị nỗ lực triển khai các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận chuyển đổi số. Trong đó, giới thiệu các nền tảng hỗ trợ, công bố các chương trình tài trợ dùng miễn phí một số sản phẩm, nền tảng phục vụ DN.
Với trường hợp cụ thể của Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết đang triển khai thực hiện đềtài “Bảo tồn và phát triển sản phẩm, tác phẩm làng nghề sơn mài truyền thống dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo”. Một trong sốcác kết quảnghiên cứu của đềtài làsẽ hình thành “Khu triển lãm sản phẩm sơn mài dựa trên công nghệ Web VR360, khách tham quan có thể sử dụng chức năng thuyết minh ảo hướng dẫn lướt qua các điểm trưng bày, nghe những câu chuyện, thông điệp được tích hợp vào các bộ sưu tâp”. Sau khi đềtài được đánh giánghiệm thu đạt yêu cầu, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiến hành bàn giao vànhân rộng kết quảđềtài đến các đơn vịcóliên quan.
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Kinh doanh trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh: Quá trình chuyển đổi số của DN cần tập trung vào hai mảng chính là chuyển đổi số mô hình kinh doanh và năng lực quản trị. Đồng thời với tăng trưởng về mặt khách hàng và doanh thu, DN cần tập trung phát triển và duy trì năng lực quản trị nội bộ để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mô hình quản trị bao gồm con người, tổ chức, hệ thống công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu. Các nghiệp vụ quản lý rủi ro và an ninh mạng cần được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ. Với nhu cầu số hóa các quy trình như thanh toán, kế toán, quy trình xuất kho, quản lý nhân sự ngày càng gia tăng, DN có thể ứng dụng các giải pháp như ERP, MES, PLM, SCM, HRM, các hệ thống chấm công, tính lương, hệ thống bán lẻ POS và hệ thống quản lý kênh phân phối DMS.