Doanh nghiệp phải linh hoạt và có sức bền

Ông Dương Thanh Danh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVI đã chia sẻ một số quan điểm về quản trị, vốn là 'vũ khí' tạo ra hiệu quả hoạt động vượt trội của doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

Ông Dương Thanh Danh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVI

Ông Dương Thanh Danh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVI

PVI đã có những cải thiện hiệu quả vượt bậc khi có cổ đông lớn nước ngoài tham gia. Đâu là những yếu tố giúp doanh nghiệp có chuyển động tích cực như vậy?

PVI có được sự phát triển như ngày hôm nay trước hết là nhờ nền tảng vững chắc mà cổ đông sáng lập PVN đã tạo dựng kể từ khi thành lập.

Khi tham gia vào doanh nghiệp, các cổ đông lớn nước ngoài như HDI Global và IFC đã giới thiệu để áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, tiệm cận với thông lệ quốc tế; đồng thời đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực như quản trị rủi ro, tuân thủ, kế toán, phát triển bền vững (ESG). Hiện tại, PVI là doanh nghiệp bảo hiểm nội địa đầu tiên triển khai Chuẩn mực kế toán quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm (IFRS 17) cũng như đã hoàn thiện khung quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả xếp hạng tín nhiệm A- (Xuất sắc) cho thấy nỗ lực của chúng tôi đã được A.M. Best ghi nhận và đánh giá cao.

Người đại diện của chúng tôi trong hội đồng quản trị/hội đồng thành viên của PVI và các công ty con luôn tham gia tích cực và sâu rộng vào công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp ở nhiều cấp độ. Chúng tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng các cơ hội kinh doanh, phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.

Nhờ đó, trong những năm qua, PVI đã có nhiều sự chuyển biến về chất và đang phát triển theo đúng định hướng cũng như kỳ vọng của chúng tôi là khẳng định vị thế số 1 tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và xây dựng thương hiệu uy tín tại thị trường quốc tế.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển

Theo nội dung trao đổi mới đây của lãnh đạo PVI với giới đầu tư, doanh nghiệp còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Ông có thể chia sẻ cụ thể dư địa đó?

Dư địa cho sự tăng trưởng đối với PVI đến từ nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan.

Hoạt động trong môi trường càng nhiều biến động, càng nhiều thay đổi thì doanh nghiệp càng phải có tính linh hoạt và sức bền.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2023 của IMF, mức tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam được dự báo đạt 5,8%, đứng thứ 20 trong danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kinh tế hồi phục sẽ là động lực quan trọng đối với sự phát triển trong lĩnh vực bảo hiểm nhờ sự gia tăng cả về tổng phí bảo hiểm và tổng tài sản bảo hiểm.

Hiện tại, tỷ lệ thâm nhập thị trường bảo hiểm của người dân Việt Nam vẫn còn khiêm tốn (dưới 3%), thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, tỷ lệ thâm nhập thị trường bảo hiểm dự kiến đạt 3 - 3,3%; đến năm 2030 đạt 3,3 - 3,5%. Điều này cho thấy, thị trường còn nhiều dư địa để phát triển.

Sự ra đời của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn đã giúp cho cơ sở pháp lý của thị trường bảo hiểm cơ bản được hoàn thiện, qua đó tạo ra yêu cầu và động lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thị trường buộc phải thay đổi theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chất lượng hơn, nhằm đem lại sự hài lòng và bảo vệ tốt nhất có thể cho người tham gia bảo hiểm.

Trong bối cảnh đó, là doanh nghiệp bảo hiểm nội địa đầu tiên và duy nhất đến nay được xếp hạng tín nhiệm quốc tế A-, với hệ thống quản trị đã và đang vận hành chuyên nghiệp, hiệu quả, PVI sẽ có nhiều lợi thế để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Về việc mở rộng thị trường ra nước ngoài, PVI có chiến lược như thế nào?

Với vai trò là cổ đông chi phối tại PVI, HDI Global đặt mục tiêu củng cố vị thế của PVI là đơn vị cung cấp các giải pháp bảo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp của Việt Nam, đồng thời định hướng để PVI trở thành doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tốp đầu Đông Nam Á trên con đường vươn ra thị trường quốc tế.

Những nguyên tắc quản trị nào được Công ty tuân thủ và theo đuổi, đảm bảo cho doanh nghiệp theo chiến lược đã đặt ra?

Nguyên tắc quản trị nhất quán mà chúng tôi luôn theo đuổi là quản trị minh bạch, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững, trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích của các cổ đông, khách hàng và người lao động. Với tôn chỉ đó, PVI luôn đi tiên phong trong việc vận dụng các thông lệ, chuẩn mực tiên tiến trên thế giới, đặc biệt trong công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính và quản lý rủi ro.

Là một chuyên gia có kinh nghiệm quản trị nhiều năm ở nước ngoài và tham gia quản trị doanh nghiệp lớn, ông có khuyến nghị hoặc lời khuyên gì với các doanh nghiệp Việt Nam để họ tiếp tục phát triển và nâng tầm doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường và môi trường kinh doanh có nhiều diễn biến mới?

Từ kinh nghiệm quản trị của bản thân, tôi nhận thấy khi hoạt động trong một môi trường càng nhiều biến động, càng nhiều thay đổi thì doanh nghiệp càng phải có tính linh hoạt và sức bền để có thể kịp thời thích ứng với sự thay đổi đó. Tại PVI, chúng tôi luôn đặt mục tiêu kinh doanh song song với việc ưu tiên phát triển các năng lực cốt lõi của doanh nghiệp cũng như áp dụng các thông lệ quản trị quốc tế để có thể chuẩn bị tối ưu cho sự phát triển bền vững trên chặng đường tiếp theo.

Anh Việt thực hiện

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-phai-linh-hoat-va-co-suc-ben-post349792.html