Doanh nghiệp taxi điện có thể bán tín chỉ carbon
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh taxi điện chắc chắn sẽ có mức phát thải thấp hơn so với hạn ngạch, phần hạn ngạch còn thừa có thể chuyển thành tín chỉ carbon, bán cho đơn vị khác.
Dù xe điện có chi phí nhiên liệu và bảo trì rẻ hơn xe xăng nhưng bài toán chi phí vẫn là vấn đề khó đối với các doanh nghiệp taxi khi tiến hành điện khí hóa. Bởi lẽ, theo ông Hồ Quang Hiếu, đại diện hãng taxi MaiLove, xe điện có giá bán cao hơn so với xe xăng cùng phân khúc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Công ty taxi Én Vàng, bổ sung, giá cước xe taxi điện thường ngang bằng với taxi xăng nên doanh nghiệp sẽ bị kéo dài thời gian thu hồi vốn. Ngoài ra, vào dịp lễ tết, xe điện khó có thể đẩy doanh thu cao vì vẫn mất thời gian sạc và tìm trạm sạc.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận, bài toán chi phí là rất quan trọng trong việc chuyển đổi sang taxi điện, bởi doanh nghiệp vẫn cần phải quan tâm đến lợi nhuận.
Có những điểm cộng như chi phí vận hành rẻ, lại không có mùi xăng, di chuyển êm nên dễ chiều lòng khách nhưng các vấn đề về chi phí mua xe cũng như hạ tầng trạm sạc khiến doanh nghiệp khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác rằng taxi điện có hiệu quả kinh doanh hơn so với taxi xăng hay không.
Tuy nhiên, ông Phúc nhìn nhận, khi doanh nghiệp chuyển sang khai thác xe điện làm taxi, Chính phủ sẽ được hưởng lợi là thực hiện được cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Do đó, tại tọa đàm Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam, vị chuyên gia đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách nhằm hài hòa bài toán chi phí, từ đó thu hút doanh nghiệp vận tải vào xu thế điện khí hóa.
Ông Phúc khuyến nghị, chính sách cần lưu tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh để giảm bớt áp lực chi phí ban đầu, đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc phát triển hệ thống trạm sạc, giúp xe điện vận hành dễ dàng hơn.
Về phía doanh nghiệp, ông Hiếu kiến nghị có chính sách đảm bảo bình ổn giá điện cũng như chính sách ưu đãi giá điện cho doanh nghiệp vận tải bằng xe điện.
Còn theo ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, doanh nghiệp chuyển sang taxi điện có thể sẽ được bổ sung thêm nguồn thu mới thông qua thị trường tín chỉ carbon bắt buộc.
Theo lộ trình thực hiện các giải pháp giảm nhẹ khí thải nhà kính, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành hạn ngạch phát thải cho một số đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, bao gồm cả các doanh nghiệp vận tải.
Doanh nghiệp nếu sớm chuyển đổi sang sử dụng taxi điện sẽ có lợi thế là lượng phát thải khí nhà kính thấp, có thể sẽ thấp hơn mức hạn ngạch được ban hành. Phần hạn ngạch còn thừa có thể chuyển đổi thành tín chỉ carbon, bán cho các đơn vị có phát thải vượt quá hạn ngạch.
Ông Uy cho biết, vấn đề cấp hạn ngạch, xây dựng thị trường tín chỉ carbon hiện đang được Chính phủ bàn thảo. Bản thân Hiệp hội cũng đang có những ý kiến để việc đăng ký, phát hành tín chỉ dễ dàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp taxi điện tham gia giao dịch.