Doanh nghiệp thép vẫn báo cáo kết quả kinh doanh kém sáng trong quý I

Sau 3 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp thép báo lãi giảm do toàn ngành vẫn phải chịu sức ép từ những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu.

Loạt doanh nghiệp thép vẫn báo cáo kết quả kinh doanh giảm sút 3 tháng đầu năm 2023.

Loạt doanh nghiệp thép vẫn báo cáo kết quả kinh doanh giảm sút 3 tháng đầu năm 2023.

Mới nhất, CTCP Tôn Đông Á (GDA) công bố Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 3.939,5 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp của công ty từ đó cũng giảm gần 46% xuống còn 293,6 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản thuế phí, Tôn Đông Á báo lãi quý I/2023 ở mức 81,62 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về nguyên nhân, Tông Đông Á cho biết nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường nội địa và xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, cùng với chi phí tài chính tăng do lãi suất vay ngân hàng tăng cao dẫn đến lợi nhuận suy giảm.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Tôn Đông Á là 7.745,8 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với thời điểm cuối năm ngoái, chủ yếu tới từ 5.984,2 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và 1.411,5 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn.

Đáng chú ý, trước khi báo kết quả kinh doanh kém tích cực, ngày 3/4 vừa qua, Tôn Đông Á bất ngờ xin rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu trên HoSE với lý do nền kinh tế năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, chịu áp lực lớn từ biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, dẫn đến kết quả kinh doanh toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không khả quan.

Cùng thời gian, Thép Tiến Lên (TLH) cũng công bố doanh thu thuần 3 tháng đầu năm đạt 1.432 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau khi trừ đi thuế cùng các loại chi phí chỉ còn lại 6 tỷ đồng, giảm tới 96% so với mức 86 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm trước.

Với kết quả đạt được trong quý I, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 6,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về cơ cấu nguồn vốn của Thép Tiến Lên, nợ phải trả vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn với 2.253 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 54,7% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tương ứng chỉ chiếm 45,3%.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chỉ tiêu về nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn của công ty đang chiếm tới 1.534 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 37,3% tổng nguồn vốn. Tổng cộng cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đạt 1.545 tỷ đồng, cao gần bằng vốn chủ sở hữu, cho thấy rủi ro tài chính đối với cơ cấu nguồn vốn của công ty là hiện hữu.

Trước đó, “ông lớn” ngành thép - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu ghi nhận đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận hợp nhất của Hòa Phát đạt 383 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp mới đạt 5%.

Tương tự, BCTC quý I/2023 của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cho biết doanh thu thuần trong kỳ giảm 49% so với cùng kỳ xuống 3.387 tỷ đồng, lãi gộp cũng giảm 18% về 159 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 87% lên gần 35 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng tăng mạnh 54% so với cùng kỳ lên 96 tỷ, trong đó chi phí lãi vay 83 tỷ đồng.

SMC ghi nhận lãi ròng trong quý I/2023 giảm đến 74% về gần 21 tỷ đồng.

Công ty cho biết biến động về vĩ mô, về ngành thép toàn cầu và sự khó khăn, trầm lắng của thị trường tiêu thụ trong nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, mã: TIS) công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu thuần giảm 34% so với cùng kỳ về mức 2.446 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp còn 56 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 2,3%, giảm so với mức 3,7% của quý I/2022. Trừ đi các chi phí hoạt động, Tisco lỗ sau thuế gần 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 29 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp thua lỗ của doanh nghiệp.

Tisco cho biết, nguyên nhân lỗ là do sản lượng tiêu thụ giảm 61.619 tấn, tương ứng giảm 28% so với quý I/2022. Giá nguyên vật liệu đầu vào (phôi, thép phế) tăng mạnh trong khi giá bán tăng không đáng kể, mặc dù tổng các chi phí quản lý, bán hàng, tài chính được tiết kiệm so với cùng kỳ.

Năm 2023, Tisco đặt mục tiêu tổng doanh thu của công ty mẹ là 15.826 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ gần 39 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được 24% chỉ tiêu doanh thu công ty mẹ.

Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 25/4, cổ phiếu SMC giảm về mức 9.900 đồng/cp, cổ phiếu TIS dừng ở mức tham chiếu 4.200 đồng/cp. Ngược lại, cổ phiếu HPG tăng lên mức 21.050 đồng/cp, còn TLH tăng lên 6.860 đồng/cp.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/doanh-nghiep-thep-van-bao-cao-ket-qua-kinh-doanh-kem-sang-trong-quy-i-1092221.html