Doanh nghiệp tổ chức cuộc thi uống rượu: Sao lại tự hào chuyện nhậu giỏi?
Chuyên một doanh nghiệp Nhà nước tổ chức Hội thi uống rượu do chính Giám đốc lên trao cúp đang trở thành một câu chuyện trào phúng khiến dư luận sốc.
Doanh nghiệp nhà nước tổ chức cuộc thi rượu còn trao cả “cúp”

Những gương mặt "xuất sắc" trong cuộc thi lên nhận cúp trong sự tán dương của nhiều người
Thông tin về Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang tổ chức Hội thi “Tửu vương chi bảo” (Uống rượu giỏi) làm dư luận vô cùng sốc, các cơ quan truyền thông và mạng xã hội phản ứng gay gắt.
Theo đó, vào ngày 16/8 vừa qua, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang tổ chức cúng rằm tháng Bảy. Sau buổi tiệc này, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin và hình ảnh doanh nghiệp này tổ chức hội thi "Tửu vương chi bảo", gây xôn xao dư luận. Để tổ chức cuộc thi này, phía doanh nghiệp đá An Giang còn tiến hành trao tặng cả cúp cho người thắng cuộc.

Cặp cúp "vô tiền khoáng hậu"
Đích thân ông Nguyễn Tấn Danh - giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác và chế biến đá An Giang là người đứng lên trao tặng cúp cho 2 cá nhân trong công ty đoạt giải đệ nhất và đệ nhị tửu vương chi bảo.
Ngày 18/8, ông Nguyễn Thiện Phú – Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh An Giang cho hay, ngày 16/8, trong buổi tổ chức lễ cúng rằm tháng bảy, công ty này có mời một số lãnh đạo huyện và các xã đến tham dự. Tại buổi tiệc, một số cán bộ công ty rủ nhau ngồi cùng bàn, sau đó nghĩ ra chuyện so “tửu lượng” và trao giải cho nhau. Hội thi mang tên “Tửu vương chi bảo”.
“So tửu lượng là câu chuyện bộc phát của một vài cá nhân chứ không đơn vị nào trong hệ thống công đoàn có chủ trương tổ chức hội thi Tửu vương chi bảo” – ông Phú khẳng định và cho biết thêm sẽ đề nghị phía công ty có hình thức kiểm điểm những cá nhân tham gia.
Còn ông Nguyễn Tấn Danh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác và chế biến đá An Giang thì giải thích vì hôm đó bận tiếp khách nên không để ý việc trên.
“Chủ yếu là do vui vẻ quá, rồi thử với nhau vậy thôi. Câu chuyện bị đẩy đi quá xa vì có người chụp ảnh đưa lên mạng” – ông Danh nói và xin nhận khuyết điểm về vấn đề này.
Nhận cúp “Đệ nhất rượu”: Tự hào hay xấu hổ?
Nghiên cứu mới công bố của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ...

Cùng với tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng nhanh nhất thế giới, tỷ lệ tai nạn giao thông do “ma men” tại VN cũng đã tăng lên mức đáng báo động. (Nguồn: Thanh Niên)
Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Đáng chú ý, ở giai đoạn này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010, gấp khoảng 2,5 lần tốc độ tiêu thụ của Ấn Độ (37,2%). Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít...
Nói cho nhanh và chuẩn xác, dễ hiểu, Việt Nam ăn nhậu đứng đầu ASEAN.
Quay trở lại với câu chuyện cuộc thi uống rượu. Từ lâu, trong tư duy của một bộ phận người Việt, dường như việc uống rượu “tốt”, tửu lượng cao luôn mang một hàm ý khen ngợi. Có thể xuất phát từ tư duy này nên công ty nói trên đã cho ra đời một cuộc thi kỳ quặc.
Qua quan sát hai chiếc cúp “Tửu vương chi bảo” có khắc chữ kèm theo hình ảnh lãnh đạo doanh nghiệp trao cúp, nhiều người cho rằng đây là một cuộc thi được tổ chức hẳn hoi, không đơn thuần là sự bộc phát của một vài cá nhân như lãnh đạo doanh nghiệp giải thích.
Những hệ lụy khủng khiếp do rượu gây ra với xã hội và sức khỏe con người khiến từ lâu nhà nước cấm tất cả các phương tiện truyền thông quảng cáo rượu. Xã hội đang ra sức bài trừ văn hóa “nhậu”. Và đặc biệt, gần đây, Quốc hội và Chính phủ đang rốt ráo tìm giải pháp hạn chế uống rượu bia.
Nhưng Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang lại đi ngược với chủ trương của Đảng, nhà nước mà tổ chức hội thi “Tửu Vương chi bảo”.
Đáng trách hơn, khi những vị lãnh đạo từ cấp huyện đến cấp xã, những người có thể ngày ngày vẫn xử lý những vụ việc thương tâm do hậu quả từ rượu… vẫn tới tham dự một cuộc thi uống rượu. Không một ai trong ngần đấy con người nhận ra sự kỳ lạ của cuộc thi này.
Một cuộc thi mà thí sinh phải thi đấu hết mình bằng cách uống thật nhiều rượu để đoạt cúp vàng. Thi xong, các thí sinh phải tham gia giao thông có đúng luật không? Chưa kể ảnh hưởng sức khỏe vì nốc nhiều rượu bia, cuộc sống gia đình có phải là đảo lộn không? Một cuộc thi như thế lấy gì làm vẻ vang, có đúng với văn hóa của người Việt hay không?

Ảnh minh họa: Một người phụ nữ phải dùng xe cút kít "rước" người chồng trong cơn say
Như số liệu kể trên, Việt Nam uống bia số 1 nên cũng đứng số 1 về tai nạn giao thông. Khó có thể tìm thấy đất nước nào trên thế giới có người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm bằng Việt Nam.
Hàng ngày mỗi khi chúng ta lật các trang báo ra đều ám ảnh với những thông tin, con số về tai nạn giao thông, nhiều đến nỗi con người trở nên vô cảm, trơ lì với những thông tin được cho như thường tình. Nhưng sau những câu chuyện nóng đó là những nỗi đau mất mát mà nạn nhân lẫn người nhà đều âm ỉ đau suốt cuộc đời.
Rượu bia nhiều thì bệnh tật nhiều, điều này không có gì mới, nhưng không phải ai cũng nhận thức một cách đầy đủ. Tác hại của rượu bia với sức khỏe là điều chẳng phải bàn cãi.
Vậy mà giữa lúc cuộc chiến chống lại rượu bia, cuộc vận động uống rượu bia không lái xe... đang hồi quyết liệt nhất thì một bộ phận lại tìm vui trong những cuộc thi uống rượu bia.
Nhìn gương mặt rạng rỡ của người nhận cup và người trao cup đủ hiểu họ đã trải qua những giây phút hứng khởi như thế nào trong cuộc thi và còn bao nhiêu người ngồi dưới kia vỗ tay tán thưởng nữa.
Có vinh quang không khi chính họ đang làm gương cho một điều mà cả xã hội đang từng ngày đấu tranh chống lại?