Chạm vào bản Thái

Không ồn ào, nhưng lại đủ sâu lắng để chạm đến cảm xúc của bất kỳ ai từng một lần ghé qua. Đó là bản Thái - điểm đến giữa lòng xã Mù Cang Chải, tỉnh Lào Cai. Nơi đây, mỗi mái nhà sàn, mỗi triền ruộng bậc thang, mỗi gương mặt người bản địa đều mang hơi thở của núi rừng và nhịp sống riêng biệt. Khi đến, bạn không chỉ ngắm nhìn mà còn được chạm vào một miền văn hóa đang âm thầm tỏa hương.

Để đến với Bản Thái, du khách có thể tự tay cầm lái, thả mình trên những cung đường ngập gió, vừa thân quen, vừa mới mẻ như lần đầu chạm ngõ. Không gian nơi đây như đang tự khẽ lùi lại một nhịp. Sáng sớm, khói bếp vờn theo làn sương mỏng, hòa tan vào không khí trong trẻo. Tiếng trẻ nhỏ gọi nhau, tiếng lúa thì thầm trong gió… Tất cả đan cài thành bản hòa tấu dịu dàng, đưa ta bước vào nhịp sống chậm rãi và an nhiên của núi rừng Tây Bắc.

Bản Thái tọa lạc ở vị trí đặc biệt thuận lợi, ngay trung tâm xã Mù Cang Chải. Lưng bản tựa vững vào dãy núi thiêng. Không giống những bản làng heo hút ẩn sâu giữa đại ngàn, hành trình đến với bản Thái nhẹ nhàng và dễ tiếp cận hơn.

Điều làm nên sức hút của bản Thái không chỉ ở cảnh sắc thiên nhiên, mà còn ở chính cái tên mang dấu ấn văn hóa và cộng đồng cư dân sinh sống nơi đây.

Mặc dù chủ yếu là cư dân dân tộc Mông, chiếm khoảng 90% dân số, nhưng nơi đây lại được gọi là bản Thái vì là địa bàn sinh sống của người Thái Mường Lò.

Đó không phải sự ngẫu nhiên, mà là dấu tích của lịch sử di cư, gắn liền với một nhóm cư dân người Thái đã định cư lâu đời tại vùng đất này. Họ mang theo nếp nhà sàn truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt và gìn giữ nguyên vẹn cách sống đậm chất Thái giữa không gian đa tộc người.

Sự hiện diện của cộng đồng Thái giữa lòng cư dân người Mông không tạo nên khoảng cách, cũng không bị hòa tan. Trái lại, đó là nét chấm phá độc đáo, góp thêm sắc màu vào bức tranh văn hóa đa dạng của vùng cao Mù Cang Chải.

 Cô gái Thái trong trang phục truyền thống.

Cô gái Thái trong trang phục truyền thống.

Ở bản Thái, dễ dàng bắt gặp hình ảnh phụ nữ mặc váy đen thêu chỉ bạc, đôi tay mềm mại, thoăn thoắt đưa sợi tơ thành tấm thổ cẩm rực rỡ. Bếp lửa ở đây luôn đỏ hồng mỗi sớm chiều, không chỉ để giữ ấm hay nấu cơm, còn là nơi kết nối các thế hệ, nơi bắt đầu mọi câu chuyện.

Mỗi mùa, bản Thái khoác lên mình một diện mạo mới. Tháng 5, tháng 6, những cơn mưa đầu mùa trút xuống triền núi, dòng nước mát lành theo suối nhỏ dẫn về ruộng bậc thang, biến cả cánh đồng thành tấm gương trời lung linh. Người dân bắt đầu vụ mới, cần mẫn in dấu chân vào đất ướt như in vào ký ức của bản.

 Bên bếp lửa của người dân tại Bản Thái.

Bên bếp lửa của người dân tại Bản Thái.

Sang thu, khoảng tháng Chín, tháng Mười, bản Thái như bừng sáng trong tấm áo vàng óng ả. Những thửa ruộng bậc thang chín rộ, tầng tầng, lớp lớp như sóng lúa xô vào sườn núi. Gió thu nhẹ lướt, mang theo hương lúa thơm mộc mạc. Đây là mùa mà người Thái, người Mông cùng xuống đồng gặt hái, mùa của đoàn tụ, mùa của no đủ.

Đông về, bản chìm trong sương sớm. Những con đường đất lặng lẽ phủ màu mờ ảo. Khi xuân tới, cả bản Thái như bừng tỉnh. Hoa mận nở trắng đầu bản, hoa đào tô hồng những mái nhà sàn đã trải qua cả mùa gió lạnh.

Vẻ đẹp của bản Thái không chỉ ở cảnh sắc, mà ở cách con người sống cùng thiên nhiên, hòa nhịp với trời đất. Những thửa ruộng không đơn thuần là nơi canh tác, mà là cội rễ sinh tồn, là nơi cha truyền con nối những kỹ thuật canh nông qua nhiều thế hệ. Ruộng bậc thang nơi đây không chỉ là biểu tượng sinh kế, mà còn là “bảo tàng sống” của người vùng cao, nơi lưu giữ cả giá trị lao động lẫn tâm hồn của cư dân miền sơn cước.

Từ đầu năm 2010, người dân bản Thái bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Họ đón khách bằng chính căn nhà của mình, bằng mâm cơm nóng dẻo với nếp nương, thịt gác bếp, bằng chỗ nằm ấm áp giữa nhà sàn gió lộng và bằng câu chuyện đời thường được kể bên ánh lửa bập bùng trong bếp.

Chị Vì Thị Phương tâm sự: Tôi đã vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội khi mới làm homestay. Lúc đầu, tôi lo lắm, không biết người thành phố có thích không, nhưng rồi tôi nhận ra, điều họ cần là sự chân thành. Tôi nấu món ăn truyền thống, kể cho họ nghe về bản, về nghề dệt, về những mùa lúa. Sự mộc mạc, chân thành chính là nét đặc trưng làm nên bản sắc của du lịch bản Thái.

Cùng với sự chủ động từ cộng đồng, những chính sách hỗ trợ thiết thực từ tỉnh và địa phương đã tiếp thêm động lực để bản Thái chuyển mình. Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, giúp người dân mạnh dạn đầu tư vào du lịch cộng đồng. Không chỉ tiếp cận vốn dễ dàng, người dân còn được hướng dẫn cách sử dụng vốn hiệu quả, gắn đầu tư sinh kế với gìn giữ văn hóa truyền thống.

Anh Lò Văn Quý, hộ kinh doanh dịch vụ tại bản Thái chia sẻ: “Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, bà con có điều kiện mua sắm thêm đồ dùng sinh hoạt, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách, vừa có thêm thu nhập, vừa giữ được bản cũ, nếp xưa”. Với anh Quý, việc “giữ được bản cũ” không chỉ là giữ lại căn nhà, mà giữ cả hệ sinh thái văn hóa.

 Những ngôi nhà sàn tại Bản Thái.

Những ngôi nhà sàn tại Bản Thái.

Mỗi homestay ở bản Thái không đơn thuần là một cơ sở lưu trú, mà còn là “trạm dừng văn hóa” giữa hành trình hiện đại hóa. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập mới, mô hình du lịch cộng đồng còn góp phần giữ chân thế hệ trẻ tiếp tục gắn bó và dựng xây quê hương. Thay vì rời quê đi làm thuê, nhiều thanh niên giờ đã trở thành hướng dẫn, phiên dịch, đầu bếp, truyền thông viên ngay trên mảnh đất quê mình.

Ở một nơi từng chỉ được biết đến qua mùa lúa chín, giờ đây bản Thái đang trở thành điểm đến bốn mùa, vừa giữ bản sắc, vừa hòa nhập, nhưng không hòa tan. Vùng đất này đang được định hướng phát triển thành điểm đến du lịch quanh năm - mỗi mùa một không gian, mỗi mùa một trải nghiệm. Xuân về với lễ hội bản làng, âm vang tiếng khèn, tiếng chiêng. Hè đến, du khách được xuống đồng cấy lúa, cảm nhận mùi đất mới. Thu vàng lúa chín rộ, đông về sương giăng, bản hiện ra mờ ảo như nét cọ thủy mặc dịu dàng, sâu thẳm.

 Nhà sàn phát triển du lịch tại bản Thái.

Nhà sàn phát triển du lịch tại bản Thái.

Nằm ở vị trí trung tâm, lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng cả cảnh sắc lẫn văn hóa, bản Thái đã và đang trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trên hành trình khám phá Tây Bắc. Một lần đặt chân đến, bạn sẽ nhận ra ở đây hội tụ đủ vẻ đẹp khiến lòng người rung động: Từ thửa ruộng bậc thang in bóng mây trời, dòng suối trong vắt róc rách bên sườn núi, đến mái nhà sàn yên ả tỏa khói lam chiều. Trên tất cả là tấm lòng người bản địa - mộc mạc, nồng hậu, luôn mở rộng vòng tay đón chào những người khách lạ như người thân trở về.

“Chạm vào bản Thái” - không chỉ là tên bài viết, mà còn là lời nhắc nhở về một trải nghiệm mà lý trí không thể định nghĩa, chỉ có trái tim mới hiểu. Bởi một khi đã đặt chân đến nơi này, rất khó để quay đi mà không mang theo trong tim một nhịp thổn thức.

Ở bản Thái, bạn không còn là khách, mà trở thành người thân quen trong ánh nhìn trìu mến, trong lời mời cơm mộc mạc, trong câu chuyện kể bên bếp lửa. Nơi đây không có những công trình vĩ đại để phô trương, chỉ có ký ức dịu dàng giữ chân người ở lại. Đó là mái nhà sàn thơm mùi gỗ mới, là mâm cơm bản thoảng hương khói chiều, là nụ cười thật thà xen chút ngại ngùng. Nếu có ngày phải rời đi, tôi vẫn mang theo ánh lửa trong bếp người Thái và cảm giác như vừa chạm vào miền quê từng thuộc về mình từ rất lâu rồi.

Lê Lý

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cham-vao-ban-thai-post648183.html