Doanh nghiệp Trung Quốc đa dạng hóa chiến lược giảm rủi ro tiền tệ

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tích trữ USD, định giá hợp đồng bằng NDT và mở rộng các kênh nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro tiền tệ.

Nhân viên kiểm đồng USD và đồng NDT tại một ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên kiểm đồng USD và đồng NDT tại một ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tích trữ USD, định giá hợp đồng bằng NDT và mở rộng các kênh nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro tiền tệ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang có nguy cơ gây biến động tỷ giá hối đoái.

Xu hướng này cho thấy các nhà xuất khẩu đang chuẩn bị cho sự chuyển dịch thương mại dài hạn sang châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi. Dữ liệu hải quan cho thấy tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm đều trong những năm gần đây, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của nước này sang Đông Nam Á, Ấn Độ và Mexico tăng lên.

Bên cạnh đó, với những biến động thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump, tích trữ USD là cách để các doanh nghiệp Trung Quốc chuẩn bị cho những gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai. Đồng NDT đã tăng 10% trong 18 tháng đầu trước khi giảm khoảng 12% do việc áp thuế của Mỹ và đại dịch COVID-19.

Biên lợi nhuận eo hẹp cũng làm gia tăng lo ngại của các doanh nghiệp, khi đồng USD trên thị trường giao ngay đã tăng khoảng 2% so với NDT kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11.

Ông David Jiang, người sáng lập công ty tư vấn quản lý rủi ro Qian Jing, cho biết nhu cầu nắm giữ USD ở nước ngoài đang tăng đột biến. Ông dẫn chứng một doanh nghiệp ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, với doanh thu xuất khẩu hàng năm đạt 300 triệu USD, đang tìm kiếm giải pháp bảo vệ biên lợi nhuận 5% khỏi rủi ro tiền tệ, đồng thời ứng phó với nguy cơ bị áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc từ phía Mỹ.

Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đang giữ lại doanh thu bằng USD từ xuất khẩu và “cất” chúng ở nước ngoài nếu có thể. Dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) cho thấy tiền gửi bằng ngoại tệ ở trong nước đã tăng 6,6% lên 836,5 tỷ USD trong 12 tháng tính đến cuối tháng 10.

Ngoài ra, một số công ty xuất khẩu đang tự nỗ lực giảm thiểu rủi ro tiền tệ bằng cách báo giá bằng đồng NDT hoặc thực hiện thương mại hai chiều (vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu).

Ông Jacky Wang, một doanh nhân ở tỉnh Quảng Đông chuyên bán đèn LED ở Nam Mỹ và châu Phi, cho rằng các công ty nên giảm thiểu rủi ro bằng cách thiết lập thương mại song phương. Ông giải thích điều đó có nghĩa là sử dụng tiền thu được từ xuất khẩu để mua sản phẩm từ thị trường đó nhập khẩu vào Trung Quốc, đồng thời chuyển đổi lợi nhuận sang USD. Theo ông, đây là một cách đơn giản và cơ bản để quản lý rủi ro tiền tệ mà không cần sử dụng các công cụ phòng ngừa phức tạp.

Đồng quan điểm, ông Han Changming, một nhà nhập khẩu ô tô ở tỉnh Phúc Kiến, cũng là nhà xuất khẩu hàng hóa, cho rằng thương mại hai chiều tạo ra một biện pháp phòng ngừa tự nhiên.

Các nhà phân tích dự báo đồng NDT sẽ giảm xuống 7,3 NDT đổi 1 USD vào cuối năm sau, từ mức khoảng 7,24 NDT đổi 1 USD hiện tại.

Ông Liu Yang, Tổng giám đốc bộ phận kinh doanh thị trường tài chính tại Tập đoàn Phát triển Chiết Giang - một công ty xuất khẩu khoáng sản, cho biết chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức cao và sẽ tiếp diễn trong thời gian dài, do đó việc nắm giữ tài sản bằng đồng USD là lẽ tự nhiên đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-da-dang-hoa-chien-luoc-giam-rui-ro-tien-te/354241.html