Quy chuẩn, tiêu chuẩn phải minh bạch, sát thực tiễn
Đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi phải minh bạch, sát thực tiễn và phải quy định chịu trách nhiệm nếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa đúng dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn.
Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chiều nay (22/11), Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, hiện nay có một số luật có rất nhiều những quy định về tiêu chuẩn.
Ủy ban đang thẩm tra một số luật như Luật Đường bộ, Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, Luật phòng cháy, chữa cháy... trong đó có nhiều nội dung quy định phải theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia. Hay Luật Dữ liệu có quy định về hạ tầng cơ sở, hạ tầng dữ liệu, sản phẩm của dữ liệu...
“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát đối với các luật đang cập nhật, đang sửa đổi, bổ sung và những luật khác của các Ủy ban khác đang thẩm tra... nếu nội dung còn thiếu, chưa rõ, chưa đủ hoặc chưa thống nhất cần bổ sung và cũng quy định rất rõ trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Làm sao quy định phải minh bạch, sát thực tiễn và phải quy định chịu trách nhiệm nếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa đúng dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn”, Trung tướng Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội dẫn chứng năm 2020 - 2022 trong thời điểm thực tế có rất nhiều vụ cháy nổ xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng đã ráo riết ban hành sửa đổi, thế nhưng trong quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy có những nội dung chưa thống nhất, tạo nên nhận thức chưa đầy đủ của khu dân cư, một bộ phận cá nhân, cơ quan khi thực hiện, làm ách tắc, hạn chế cũng như tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Đồng quan điểm đại biểu Đỗ Đức Hiển, đoàn TP.HCM cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành từ năm 2006. Qua gần 20 năm, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay nhiều quy định không còn phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, các quy định của luật sửa đổi lần này cũng cần xem xét mối tương quan với quy định trong các luật sửa đổi và sắp ban hành.
“Các quy định đan xen giữa các luật cần phải xem xét kỹ lưỡng so với các luật đã ban hành để điều chỉnh đồng bộ, tránh tình trạng rà soát không kỹ sẽ dẫn đến chồng chéo với quy định của các luật khác, đặc biệt là các luật đưa ra xem xét tại kỳ họp này”, đại biểu Đỗ Đức Hiển nêu rõ.
Sửa luật về quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Trước đó, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ trưởng cho biết trong quá trình mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều điều ước quốc tế liên quan tới hoạt động tiêu chuẩn chất lượng như Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong Thương mại (WTO/TBT), Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với Liên minh châu Âu; Hàn Quốc; Liên minh kinh tế Á-Âu; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa ra các nguyên tắc chung về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, các quy định này ở mức cơ bản, chỉ phù hợp tại thời điểm năm 2007. Khi đó, Việt Nam mới gia nhập WTO và quy mô hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất quốc tế chưa sâu rộng như hiện nay.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật không còn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế theo các FTA thế hệ mới với cam kết mở hơn. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chưa quy định đầy đủ về nghĩa vụ minh bạch hóa của Việt Nam cũng như thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ thông báo, hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Tại lần sửa đổi này, Chính phủ hướng đến tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Đây sẽ là khung pháp lý quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết tán thành với việc sửa đổi các quy định về đánh giá sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa trong thực thi các Hiệp định FTA. Ủy ban yêu cầu dự thảo Luật cần bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, khách quan và hiệu quả của hoạt động này, đặc biệt là hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Ông Lê Quang Huy cũng nêu việc bổ sung quy định về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại còn chung chung, chưa cụ thể được trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn luật về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong minh bạch hóa, hoạt động phải thực hiện và điều kiện để bảo đảm minh bạch hóa.
Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật này vào ngày 28/11 và dự kiến thông qua tại kỳ họp giữa năm 2025.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quy-chuan-tieu-chuan-phai-minh-bach-sat-thuc-tien-post1137416.vov