Doanh nghiệp Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam và Mexico

Các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và Mexico trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh với các chính phủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ dâng cao.

Công nhân làm việc ở nhà máy sản xuất ghế bành và ghế sofa của Công ty nội thất Man Wah Furniture tại thành phố Monterrey, Mexico. Ảnh: BBC

Công nhân làm việc ở nhà máy sản xuất ghế bành và ghế sofa của Công ty nội thất Man Wah Furniture tại thành phố Monterrey, Mexico. Ảnh: BBC

Theo dữ liệu mới nhất từ FDI Markets, đơn vị theo dõi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tờ Financial Times, tính đến tháng 3 năm nay, có ít nhất 41 dự án sản xuất và hậu cần của Trung Quốc đã được công bố ở Mexico. Trong cùng giai đoạn, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng lên kế hoạch cho 39 dự án tương tự ở Việt Nam.

Đây là con số dự án FDI cao nhất của doanh nghiệp Trung Quốc được công bố ở cả hai nước này kể từ khi FDI Markets bắt đầu theo dõi tin tức đầu tư nước ngoài vào năm 2003. Hiện tại, Mexico và Việt Nam đã vượt qua Mỹ để trở thành điểm đến hàng đầu cho các dự án sản xuất và hậu cần của Trung Quốc. Thái Lan, Malaysia, Hungary và Ai Cập cũng ghi nhận con số dự án đầu tư cao kỷ lục của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2024.

Những diễn biến này cho thấy, khi các công ty đa quốc gia và các nước phương Tây tìm cách phá vỡ sự phụ thuộc vào nhà máy ở Trung Quốc thì những nhà sản xuất ở nước này phản ứng bằng cách tăng cường sự hiện diện ở nước ngoài.

Trong số các khoản đầu tư lớn gần đây của Trung Quốc ở nước ngoài, có dự án nhà máy lắp ráp ô tô trị giá lên tới 2 tỉ đô la Mỹ ở Mexico. Dự án này được một công ty con ở Mexico của Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải (SAIC) thuộc sở hữu nhà nước công bố.

Sản xuất ở Mexico không chỉ giúp doanh nghiệp Trung Quốc tiết kiệm chi phí vận chuyển để xuất khẩu sang Mỹ mà còn giúp lách các mức thuế cao và lệnh trừng phạt của Mỹ áp vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Tại thành phố Monterrey của Mexico, nhà máy của Công ty nội thất Man Wah Furniture sản xuất những ghế bành và ghế sofa bọc da sang trọng. Những sản phẩm này được bán cho các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ như Costco và Walmart. Tuy nhiên, Man Wah Furniture đến từ Trung Quốc và nhà máy của công ty ở Mexico được xây dựng bằng vốn của Trung Quốc.

Man Wah Furniture là một trong số nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển đến các khu công nghiệp ở phía bắc Mexico trong những năm gần đây để đưa hoạt động sản xuất đến gần hơn với thị trường Mỹ.

Yu Ken Wei, Tổng giám đốc của Man Wah Furniture, nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ tăng gấp 3 thậm chí gấp 4 sản lượng tại đây. Mục tiêu của chúng tôi là nâng quy mô sản xuất tại Mexico lên mức ngang bằng với hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam”.

Số dự án đầu tư FDI của Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất và hậu cần ở Mexico và Việt Nam tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Ảnh: FT

Số dự án đầu tư FDI của Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất và hậu cần ở Mexico và Việt Nam tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Ảnh: FT

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng thuế đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trị giá 18 tỉ đô la mỗi năm vào tháng trước, ngay cả các nhà sản xuất nhỏ của Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài. Khi Mỹ nhập khẩu nhiều hơn từ các nước bên ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước này.

Theo dữ liệu chính thức, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mexico và Thái Lan tăng hơn gấp đôi lên 158,7 tỉ đô la trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2023. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 49% lên 3,4 nghìn tỉ đô la trong cùng giai đoạn.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu linh kiện máy tính của Trung Quốc sang Việt Nam tăng hơn gấp ba lần lên 1,7 tỉ đô la trong giai đoạn 2017-2023. Tuy nhiên, Công ty tư vấn Eurasia Group cho biết, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng đáng kể không chỉ do sự chuyển dịch sản xuất thực tế khỏi Trung Quốc mà còn vì các công ty Trung Quốc chỉ đơn giản là chuyển sản phẩm sang Việt Nam để bán sang Mỹ.

“Nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trực tiếp từ Trung Quốc có thể giảm nhưng có những con đường gián tiếp mà qua đó Mỹ tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc”, Davin Chor, giáo sư kinh tế của Đại học Dartmouth (Mỹ) nói.

Trong 26 năm qua, nhà sản xuất dụng cụ nhà bếp Summit Enterprise chỉ vận hành một nhà máy duy nhất ở thị trấn Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Audrey Liang, đại diện bán hàng của Summit Enterprise, cho biết công ty đang xây dựng nhà máy thứ hai tại Việt Nam. Dự kiến, nhà máy sẽ hoạt động vào cuối năm tới.

Bà tiết lộ khách hàng đã yêu cầu Summit Enterprise xem xét đặt nhà máy ở Việt Nam vì “lý do chính trị” và mức thuế nhập khẩu thấp hơn của Mỹ đối với hàng hóa từ Việt Nam dù chi phí sản xuất cao hơn và trình độ kỹ năng của công nhân thấp hơn. “Nếu khách hàng không đưa yêu cầu này thì chúng tôi đã không vào Việt Nam”, bà nói thêm.

Theo Jack Ye, đại diện bán hàng của nhà sản xuất ba lô Xiamen Obaili Manufacturing, có trụ sở tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến vẫn có nhiều lợi thế khi hoạt động tại Trung Quốc. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có lợi thế về thời gian giao hàng, chi phí và chất lượng tốt hơn.

Tuy nhiên, công ty này đang xem xét các địa điểm sản xuất ở nước ngoài nếu ông Donald Trump, người đã đe dọa sẽ áp đặt chính sách thương mại cứng rắn hơn vơi Trung Quốc, đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Theo Financial Times, BBC

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-tang-toc-dau-tu-vao-viet-nam-va-mexico/