Doanh nghiệp tư nhân kiến tạo hạ tầng đô thị

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng đô thị ngày càng cấp thiết nhưng khả năng đầu tư công bị giới hạn, cơ chế hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân nổi lên như một giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy đầu tư, nâng cao hiệu quả quản trị và phát triển bền vững.

“Trong bối cảnh đầu tư phát triển hạ tầng đòi hỏi chi phí lớn, rủi ro cao và thời gian thu hồi vốn dài. Vai trò kiến tạo của nhà nước trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là trong việc thiết lập quy hoạch tổng thể, xây dựng khung pháp lý ổn định và bảo đảm các điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia. Trong đó, mô hình phối hợp hiệu quả giữa khu vực công và khu vực tư (PPP) nhằm sử dụng nguồn lực hiệu quả là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong phát triển hạ tầng, PPP giúp khắc phục các hạn chế của đầu tư công thuần túy và thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào cung cấp và vận hành các dịch vụ công” , TS. Điền nhấn mạnh.

Quy hoạch đô thị hiện nay vẫn thiếu sự tích hợp đa ngành và chưa kịp thời cập nhật theo thực tế phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh mở rộng không gian đô thị và sáp nhập các tỉnh lân cận, nhất là quy mô TP. Hồ Chí Minh mới (sau sáp nhập Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu) là “siêu đô thị” càng cần nhanh chóng đồng bộ kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo đối tác công tư, Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua đã tạo thành bước ngoặt quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP.

Trong vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn, TP. Hồ Chí Minh mới đã thể hiện xu hướng đổi mới thông qua việc triển khai một số chính sách thí điểm mang tính đột phá, như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển các tuyến metro đô thị, cũng như thúc đẩy logistics và đô thị thông minh. Tuy nhiên, khung thể chế hiện hành vẫn còn tồn tại nhiều điểm chưa tương thích với yêu cầu thực tiễn, gây ra khó khăn trong việc huy động và phối hợp nguồn lực từ khu vực công và tư nhân.

Cụ thể, các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, điển hình như tuyến Metro số 1, vẫn đang gặp nhiều thách thức liên quan đến giải ngân vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư phù hợp với biến động giá cả và tiến độ, cũng như phân bổ trách nhiệm rõ ràng giữa các bên tham gia dự án. Những khó khăn này làm chậm tiến độ, tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư.

Toàn cảnh TP. Hồ Chí Minh

Toàn cảnh TP. Hồ Chí Minh

Về phía khu vực tư nhân, dù sở hữu tiềm lực tài chính và mong muốn tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý và thủ tục phức tạp. Nhất là việc chia sẻ rủi ro chưa minh bạch, thiếu các cơ chế bảo lãnh doanh thu đảm bảo lợi ích hợp lý, quyền tiếp cận và sử dụng đất đai còn hạn chế, cùng với quy trình phê duyệt dự án kéo dài và không đồng bộ. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của các dự án PPP, đồng thời ảnh hưởng đến sự tham gia tích cực và bền vững của khu vực tư nhân.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, cần thiết lập một cơ chế phối hợp công tư mang tính thể chế hóa, minh bạch và linh hoạt hơn nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển.

Trước hết, cần thể chế hóa quy hoạch tích hợp và danh mục dự án trọng điểm mang tính “dẫn dắt tư nhân”. Quy hoạch phát triển vùng và đô thị phải được xây dựng rõ ràng, tích hợp đa ngành, đa cấp, đảm bảo sự đồng bộ và kết nối với các địa phương vệ tinh. Việc công khai minh bạch danh mục các dự án trọng điểm, trong đó ưu tiên các dự án có khả năng dẫn dắt khu vực tư nhân tham gia, sẽ làm cơ sở để nhà đầu tư chủ động lập kế hoạch và cam kết nguồn lực. Việc thể chế hóa và công bố định kỳ còn giúp cơ chế có tính linh hoạt, thích ứng với thực tiễn, đồng thời tạo dựng niềm tin cho khu vực tư nhân.

Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng khung pháp lý đặc thù phù hợp với tính chất và quy mô của một đô thị lớn. Khung pháp lý này cần giảm bớt thủ tục hành chính, tăng tính linh hoạt trong xử lý các dự án đa ngành, đa cấp và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp. Đây sẽ là nền tảng pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân tham gia tích cực và giúp chính quyền thành phố điều phối nguồn lực hiệu quả hơn.

Đặc biệt, phát triển công cụ tài chính dài hạn đóng vai trò then chốt trong huy động vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm. Thành phố cần thành lập các quỹ đầu tư đô thị chuyên biệt, khuyến khích phát hành trái phiếu dự án và sử dụng các công cụ tài chính sáng tạo khác nhằm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Sự phối hợp hài hòa giữa ngân sách nhà nước, vốn ODA và nguồn lực tư nhân sẽ tạo dựng cơ cấu tài chính đa dạng và bền vững cho các dự án.

Theo các chuyên gia, để hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh mới được phát triển đồng bộ cần có cơ chế “Nhà nước kiến tạo, tư nhân đồng hành” trong phát triển hạ tầng giao thông, cũng như thiết lập một cơ chế hợp tác công tư mang tính đổi mới và bền vững, trong đó nhà nước đóng vai trò kiến tạo chiến lược, tạo dựng môi trường thuận lợi; tư nhân đóng vai trò đồng hành, đầu tư và vận hành hiệu quả. Nhà nước xác lập định hướng phát triển và quy hoạch tổng thể, xây dựng và thể chế hóa quy hoạch vùng, danh mục dự án trọng điểm với tầm nhìn dài hạn, rõ ràng để dẫn dắt nguồn lực tư nhân tham gia.

“Quan trọng nhất, khu vực tư nhân cần được xem là đối tác chiến lược, chủ động tham gia từ giai đoạn quy hoạch và thiết kế dự án, đề xuất các giải pháp sáng tạo và đồng xây dựng chính sách phát triển hạ tầng. Vì vậy, các doanh nghiệp tư nhân cần phát huy vai trò đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới và mô hình quản trị hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm chi phí đầu tư, gia tăng hiệu quả kinh tế” - chuyên gia khuyến cáo.

Tuyết Anh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-kien-tao-ha-tang-do-thi-166806.html