Doanh nghiệp ứng phó giá xăng, dầu tăng cao
Chưa kịp mừng khi sản xuất bước đầu hồi phục, thuế giá trị gia tăng các sản phẩm được giảm, những ngày gần đây, doanh nghiệp lại 'đau đầu' khi giá xăng, dầu tăng cao, đẩy chi phí sản xuất hàng hóa, dịch vụ tăng.
Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tính toán lại phương án sản xuất, kinh doanh; thương lượng với khách hàng để điều chỉnh giá, chấp nhận giảm một phần lợi nhuận... nhằm giữ vững thị phần, thu nhập cho người lao động.
Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hoạt động cầm chừng, nhiều xe phải nằm bãi vì không có khách, không có hàng hóa để vận chuyển; việc xăng, dầu tăng giá đã ảnh hưởng chi phí các loại hình vận tải, mà doanh nghiệp không thể ngay lập tức tăng giá cước trong ngày một, ngày hai.
Cố gắng duy trì hoạt động
Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát Đỗ Văn Bằng (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cho biết, giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh thời gian qua khiến nhiều đơn vị thật sự khốn đốn. Sau Tết Nguyên đán, công ty mới hoạt động trở lại được khoảng 30% đầu xe vì lượng hành khách đi xe còn ít.
Để thích ứng với tình hình, nhà xe đưa các xe cỡ nhỏ, ít giường vào hoạt động. Nếu giá xăng, dầu tiếp tục leo cao thì chỉ một thời gian ngắn nữa, doanh nghiệp sẽ không thể hoạt động được. Thông thường, khi giá nhiên liệu tăng, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh tăng giá vé để cân bằng thu-chi.
Tuy nhiên, trong thời dịch bệnh như hiện nay, cách làm đó có khi còn bị phản tác dụng khi khách đi xe ngày càng vắng. Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn-Hải Vân, doanh nghiệp chuyên chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai, chia sẻ: "Bình thường chi phí nhiên liệu của đoàn xe là khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng.
Đến nay, mỗi tháng doanh nghiệp mất thêm khoảng 400 triệu đồng, khó khăn thêm chồng chất. Nếu tăng giá vé xe, e rằng lại càng ít khách".
Các hãng ta-xi cũng đang đắn đo về việc cân đối giá cước dịch vụ. Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Ta-xi Mai Linh miền bắc, Chủ tịch Hiệp hội ta-xi Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp ta-xi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng, dầu tăng khiến lái xe tiếp tục giảm thu nhập, không ít người bỏ việc.
Đã gần một tuần nay, anh Lê Văn Hà (quê Hưng Yên) đang làm cho một hãng xe công nghệ tại Hà Nội tắt app. Anh Hà cho biết, xăng tăng giá cộng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho nên anh chấp nhận nghỉ ở nhà vài hôm.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải logistics Hải Phòng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sao Á, cho biết, chi phí xăng, dầu chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu giá thành vận tải hàng hóa đường bộ. Việc giá xăng, dầu liên tục tăng khiến các doanh nghiệp vận tải phải thỏa thuận lại với khách hàng về giá cước.
Đối với các hợp đồng vận tải đã ký với khách hàng, doanh nghiệp phải cố gắng "thắt lưng, buộc bụng", tiết giảm các chi phí khác để bảo đảm thực hiện hợp đồng đã cam kết với khách hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng Lê Văn Tiến chia sẻ, doanh nghiệp vận tải và khách hàng cần hướng đến mục tiêu là hài hòa lợi ích giữa các bên và bảo đảm hoạt động vận tải hàng hóa được duy trì liên tục.
Công ty TNHH vận tải thương mại Hà Anh, doanh nghiệp do ông Lê Văn Tiến làm giám đốc, cũng đang nỗ lực duy trì hoạt động trong "bão giá" xăng, dầu.
Với khoảng 50 đầu xe, mỗi tháng doanh nghiệp của ông vận chuyển từ 30 nghìn đến 50 nghìn tấn hàng. Doanh nghiệp hiện phải gồng mình hoạt động để giữ mối hàng truyền thống, cho dù mất thêm gần chục triệu đồng mỗi ngày do giá dầu tăng cao...
Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hải Phòng) Ngô Hồng Quang cho biết, hiện không ít doanh nghiệp vận tải Hải Phòng, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe đầu kéo container, phải chấp nhận giảm lãi, thậm chí hòa vốn để duy trì hoạt động, giữ mối hàng.
Tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp như doanh nghiệp vận tải, nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn gặp nhiều áp lực khi giá xăng, dầu tăng liên tục. Hầu hết doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí sản xuất, giá thành để vẫn bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường.
Là một trong những đơn vị chủ lực cung ứng trứng gia cầm bình ổn giá ở thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Vfood) vẫn duy trì giá bán bình ổn tại các siêu thị trong nhiều tháng qua. Từ ngày 16/7/2021 đến nay, giá trứng gà giữ ở mức 28.000 đồng/hộp 10 quả, trứng vịt 33.000 đồng/hộp 10 quả.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết: "Các đơn vị cung cấp nguyên, vật liệu đã điều chỉnh mức giá mới theo giá xăng, dầu. Chính vì thế, công ty chỉ có thể giữ mức giá trong ngắn hạn. Dự kiến trong thời gian tới, công ty sẽ điều chỉnh tăng giá bán từ 10-20%. Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, các sở, ngành của thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định nguồn cung hàng hóa với mức giá bình ổn cho người tiêu dùng".
Cần những chính sách vĩ mô
Trước những khó khăn chồng chất, một số doanh nghiệp sau thời gian cầm cự đã buộc phải điều chỉnh giá cước để bù lỗ.
Ông Ngô Tùng Bảo, Giám đốc Công ty cổ phần Logistics Ngọc An (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Sau hai đợt tăng giá xăng, dầu vào ngày 21/2 và 1/3 vừa qua, doanh nghiệp vận tải buộc phải tăng trung bình 10-15% giá cước để bù giá xăng, dầu tăng".
Với mức điều chỉnh mới, cước vận chuyển hàng hóa đã tăng so với mức giá cũ. Thí dụ như phí vận chuyển container từ Cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) về Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương) ở mức ba triệu đồng nay tăng thêm từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng. Còn cước vận chuyển container từ thành phố Hồ Chí Minh về Quy Nhơn (Bình Định) tăng thêm 1,5-2 triệu đồng/lượt, từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ cũng tăng thêm 1 triệu đồng/lượt so với trước.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nguyên, vật liệu như: Bột mì, các loại hương liệu nhập khẩu cũng tăng giá từ 30 đến 35%, riêng các loại nguyên liệu trong nước cũng tăng từ 10-15%.
Trước tình thế đó, lẽ ra nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng giá mạnh, nhưng doanh nghiệp cố gắng kiềm chế giá bán để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, khi giá xăng, dầu tăng lên mức giá kỷ lục như hiện nay và chưa có dấu hiệu dừng lại, giá nguyên liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu đều có xu hướng tăng giá, doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm lương thực, thực phẩm và nguy cơ xảy ra lạm phát.
Một số chuyên gia lo ngại trong bối cảnh doanh nghiệp chịu áp lực tăng giá, giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi cạnh tranh trên trường quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp đàm phán lại mức giá với các đối tác nước ngoài, nhưng không dễ thuyết phục được đối tác điều chỉnh tăng giá trong thời gian ngắn. Vì thế, phần lớn doanh nghiệp hiện rất ngập ngừng khi nhận các đơn xuất khẩu mới, chỉ duy trì những đơn hàng cũ. Điều này sẽ dẫn đến khả năng thời gian tới, nông sản, hàng hóa bị ế thừa.
Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hải Phòng) Ngô Hồng Quang khuyến cáo doanh nghiệp vận tải cần cơ cấu lại hoạt động, tăng cường liên kết chặt chẽ trong các hiệp hội vận tải để tạo lập mặt bằng giá cước phù hợp; tăng tỷ lệ hàng hóa vận tải hai chiều và các biện pháp khác nhằm tiết giảm các chi phí, hạ giá thành vận tải, bảo đảm duy trì hoạt động ổn định.
Doanh nghiệp nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số giúp liên thông hệ thống điều phối logistics, hạn chế giao nhận hàng hóa rải rác làm tăng chi phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có những chính sách vĩ mô như giảm thuế, phí nhằm giảm giá xăng, dầu trong nước, kiểm soát chặt chẽ để kiềm chế sự tăng giá xăng, dầu.
Đặc biệt, doanh nghiệp rất cần các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-lam-an/doanh-nghiep-ung-pho-gia-xang-dau-tang-cao-688033/