Đề xuất miễn, giảm thuế cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ
Theo đại biểu Quốc hội, đơn vị sự nghiệp công lập đang thay mặt Nhà nước cung ứng những dịch vụ công mà Nhà nước đảm bảo, hoạt động phi lợi nhuận. Vì vậy, đơn vị sự nghiệp cần được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ
Sáng 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần miễn, giảm thuế cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) nêu rõ, tại Điều 4 Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều đối tượng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trong đó, thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công cũng thuộc đối tượng được miễn thuế. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần miễn thuế TNDN cho các đơn vị tự chủ cả về chi đầu tư và chi thường xuyên.
Đại biểu phân tích, đơn vị sự nghiệp công lập đang thay mặt Nhà nước cung ứng những dịch vụ công mà Nhà nước đảm bảo. Nhà nước cũng có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công và đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung
Mặt khác, theo đại biểu, các dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công cũng chưa được tính đúng, tính đủ. Vì thế, nguồn thu của đơn vị đang dùng để cung cấp dịch vụ công theo nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm bảo phương án tài chính đã được phê duyệt và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
“Hiện nay, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những vướng mắc, bất cập do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, đồng bộ, dẫn đến đa số các đơn vị đang tự chủ gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu giảm, phúc lợi hạn chế, thu nhập của viên chức, người lao động bị giảm cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viên chức xin thôi việc, không giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao” - đại biểu chỉ ra thực tế.
Cùng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục phải coi là đơn vị phi lợi nhuận và phải được miễn thuế TNDN.
Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ miễn thuế đối với các dịch vụ cơ bản, thiết yếu mà sử dụng ngân sách nhà nước hoặc những đơn vị sự nghiệp được Nhà nước hỗ trợ, đảm bảo kinh phí hoạt động.
Như vậy, những đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay đang thực hiện cơ chế tự chủ, tức là tự xác định mức thu, tự đảm bảo thu - chi trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, không sử dụng ngân sách nhà nước thì lại thuộc vào đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. “Đây là điều không phù hợp” - đại biểu nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Ban soạn thảo xem xét để đảm bảo yếu tố về dịch vụ y tế, giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu đáp ứng yêu cầu xã hội. “Không nên đưa yếu tố thuế vào đây, trừ trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập này không phải phục vụ hoạt động công thông thường mà thực hiện liên doanh, liên kết để thu lợi nhuận. Khi liên doanh, liên kết thì chúng ta có thể thu thuế TNDN” - đại biểu Cường kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, đối với các nhà khoa học phải vận động bên ngoài, tìm các nguồn để đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng cần được miễn thuế TNDN.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) thời gian qua, việc tự chủ đã hỗ trợ nhiều cơ quan, đơn vị hoạt động tốt hơn, giúp giảm chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong trong công tác tự chủ trên một số lĩnh vực như y tế, giáo dục... Mặt khác, nhiều cơ quan vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao nhưng lại gặp khó khăn về nguồn lực.
Để hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chức năng đảm bảo nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu khác, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu giảm thuế TNDN cho đơn vị sự nghiệp công lập để tạo điều kiện cho các đơn vị có nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ để hoạt động tốt hơn.
Hạn chế thất thu thuế, tạo môi trường cạnh tranh công bằng
Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm tại Phiên thảo luận là quy định về người nộp thuế và thu nhập chịu thuế TNDN.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) thống nhất việc Dự thảo Luật đã bổ sung người nộp thuế là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
Đại biểu cho biết, thời gian qua, việc không thu thuế đối với những đối tượng này dẫn đến tình trạng thất thu thuế và không đảm bảo công bằng đối với các cở sở sản xuất kinh doanh trong nước có những sản phẩm tương đồng với các sản phẩm của các tổ chức nước ngoài. Đại biểu đề nghị Chính phủ có Nghị định quy định cụ thể vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, làm rõ hơn tiêu chí xác định thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam trong trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Đồng thời, Dự thảo Luật cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về cách kê khai và nộp thuế để bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp xuyên biên giới. “Điều này giúp hạn chế thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng” - đại biểu nói.
Góp ý về quy định cơ sở thường trú trong các hoạt động kinh doanh dựa trên thương mại điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) phân tích, Dự thảo Luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành. Trong khi đó, tại báo cáo thuyết minh Dự án Luật đã chỉ ra có sự bất cập về khái niệm “cơ sở thường trú” đang quy định tại Luật hiện hành và các hiệp định thuế, bởi chưa đáp ứng được thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú ảo, không có địa chỉ liên lạc thật trên thực tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ nội dung trên để kịp thời chỉnh sửa, giải quyết các vướng mắc bất cập.