Doanh nghiệp Việt đẩy mạnh giao hàng trước thời hạn Mỹ áp thuế đối ứng
Tình hình xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đang bước vào giai đoạn căng thẳng khi thời hạn áp thuế ngày 9.4 đang sát nút. Một số nhà xuất khẩu đã đẩy mạnh giao hàng trước thời hạn.
Tận dụng thời gian, tạo điều kiện để giao hàng trước ngày 9.4 là giải pháp mà nhiều nhà xuất khẩu đang thực hiện hiện nay. Thị trường cá rô phi và cá tra đang căng thẳng trước thời điểm Mỹ áp thuế ngày 9.4. Cá rô phi Trung Quốc có thể chịu thuế tới 79%, cá tra Việt Nam 46% (chưa tính cả thuế CBPG). Nhiều nhà xuất khẩu đẩy mạnh giao hàng, trong khi số khác chờ đợi. Giá bán vẫn ổn định do tồn kho vừa phải và chưa rõ cách thực thi thuế. Cá tra đối mặt nguồn cung hạn chế đến tháng 6.

Ngành gỗ nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thuế đối ứng. Ảnh: Viforest.
Thị trường cá rô phi và cá tra đang bước vào giai đoạn căng thẳng trước thời hạn áp thuế ngày 9.4. Một số nhà xuất khẩu đã đẩy mạnh giao hàng trước thời hạn, trong khi những đơn vị khác vẫn đang do dự vì chưa rõ tình hình sẽ diễn biến như thế nào.
Ngành thủy sản cá thịt trắng đang đối mặt với áp lực lớn khi các nhà nhập khẩu và nhà cung cấp gấp rút chuẩn bị cho mức thuế cao mới, được Tổng thống Donald Trump công bố ngày 2.4. Cá rô phi và cá tra - hai mặt hàng thủy sản phổ biến nhất tại thị trường Mỹ, nằm trong danh sách chịu thuế lần này. Cá rô phi nhập từ Trung Quốc có thể đối mặt với mức thuế tích lũy lên đến 79%, trong khi cá tra từ Việt Nam sẽ chịu mức thuế 46% bắt đầu từ ngày 9.4.
"Việt Nam được kỳ vọng sẽ nỗ lực vận động nhằm giảm hoặc xóa bỏ mức thuế 46%. Mỹ với vị thế là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam, sự hạn chế tiếp cận có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất Việt Nam. Hiện tại, cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu đều đang nín thở chờ đợi, một số tranh thủ bán hàng trước thời hạn, số khác vẫn tạm hoãn để chờ thêm tín hiệu rõ ràng hơn, trong khi không ít người hy vọng rằng đây có thể chỉ là một phần trong chiến lược đàm phán thương mại ngắn hạn", VASEP dẫn lời một số doanh nghiệp cho biết.
Theo ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, những năm vừa qua, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang Mỹ đều đạt trên mức 13 tỉ USD (xuất siêu trên 10 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ khoảng trên 3 tỉ USD/năm). Riêng năm 2024 xuất khẩu đạt 14,31 tỉ USD, tăng 25% so với năm 2023, nhập khẩu đạt 3,44 tỉ USD.
Còn trong quý 1/2025, Việt Nam xuất sang Mỹ đạt 3,21 tỉ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2024 và nhập khẩu từ Mỹ đạt 914 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các mặt hàng chủ lực qua nhiều năm vẫn là gỗ, tiêu, điều, thủy sản, cà phê, rau quả.
Theo ông Phong, việc áp thuế cơ bản 10% với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ có tác động trực tiếp đến tổng thể cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ nói chung, tác động lớn đến xuất khẩu hàng NLTS của Việt Nam và ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2025.
Hiện nay, dù mức thuế đối ứng là 46%, tuy nhiên áp dụng cho từng ngành là khác nhau. Do đó cần có sự phân tích đánh giá một cách cụ thể hơn về biểu thuế sẽ áp đối với từng mặt hàng NLTS của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Về đề xuất các giải pháp, ông Ngô Hồng Phong cho biết trước mắt cần thông tin và tạo điều kiện (về logistics, thủ tục hải quan...) để các doanh nghiệp kịp đẩy nhanh việc giao hàng trước thời điểm ngày 9.4 và càng sớm càng tốt trong thời gian 1 - 3 tháng tới. Các doanh nghiệp chủ động trao đổi với khách hàng, đối tác nhập khẩu để có phương án xử lý các hợp đồng đã ký kết, cùng chia sẻ trách nhiệm khi bị áp thuế bổ sung.
Bên cạnh đó là việc xem xét phương án xử lý đối với các nội dung mà phía Mỹ quan ngại; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ để tránh việc Mỹ cho là gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc và xem xét quyết định cuối cùng về phương án đề xuất áp thuế về 0%.
Trong dài hạn, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường cho rằng cần chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang một số nước có FTA với Việt Nam, tương ứng với tiêu chí về dung lượng thị trường, có thể là Trung Quốc hoặc châu Âu.
Về thứ tự, ưu tiên chuyển hướng với từng sản phẩm là: gỗ và sản phẩm gỗ hướng đến Nhật Bản, Trung Quốc, EU; thủy sản hướng đến Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc; hạt điều hướng đến EU, Trung Quốc, UAE, Anh; hạt tiêu hướng đến EU, UAE, Ấn Độ, Trung Quốc; rau quả hướng đến Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, ASEAN; cà phê hướng đến Đức, Ý, Nhật Bản.
So với các ngành hàng khác, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong nhóm được dự báo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của sắc thuế mới. Năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Mỹ chiếm trên 55% tổng kim ngạch của ngành, cao gần gấp đôi so với mức bình quân của cả nền kinh tế (khoảng 30%).
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết đã có những ước tính ban đầu về thiệt hại cho ngành gỗ, nếu chịu mức thuế 46%. Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết doanh nghiệp vẫn đang chờ Chính phủ đứng ra đàm phán để Mỹ xem xét giảm bớt rào cản thương mại, đồng thời có những chính sách hài hòa lợi ích với cả hai bên, chẳng hạn trì hoãn thời điểm áp thuế...
"Lâu nay Mỹ có các quy định tương đối dễ về gỗ, nên doanh nghiệp ngành gỗ khó tránh hiện tượng lơ là", lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nhận xét, và cho biết thêm thách thức trước mắt cũng là động lực để doanh nghiệp triệt để thay đổi mô hình tăng trưởng. Trước đây, doanh nghiệp thường chú ý nhiều đến tăng trưởng giá trị xuất khẩu, mà bỏ quên mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, trong khi đây chính là yếu tố đảm bảo tăng trưởng về chất cho doanh nghiệp.
Một vấn đề nữa, là doanh nghiệp dường như đang "bỏ quên" những thị trường tiềm năng như Nhật Bản (hiện Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu viên nén, dăm gỗ sang nước này), hay Trung Quốc (dăm gỗ). Nếu tích cực liên kết với đối tác từ những quốc gia này, ngành gỗ có thể tạo thêm dư địa.
Trong dài hạn, ông Hoài kiến nghị Bộ Nông nghiệp - Môi trường, Cục Lâm nghiệp và kiểm lâm nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sang Mỹ. Đây là điều mà Tổng thống Trump hoan nghênh và Việt Nam có nhiều cơ hội, bởi nhu cầu về sản phẩm gỗ tại đây rất lớn. Một số sản phẩm như tủ gỗ Việt Nam chiếm hơn 30% thị trường sản phẩm gỗ của Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ miễn thuế với một số mặt hàng đạt tỷ lệ nhất định về nội địa hóa, hoặc có nguyên liệu xuất xứ từ Mỹ. "Nếu nhập nguồn gỗ nguyên liệu từ Mỹ, chế biến, rồi xuất khẩu ngược lại, chúng ta có thể được hưởng ưu đãi về thuế", ông Hoài cho hay.