Doanh nghiệp Việt: Khát vọng toàn cầu, bản lĩnh vươn xa

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, không ít doanh nghiệp (DN) Việt đã chủ động đổi mới mô hình, đầu tư công nghệ, nâng tầm quản trị để từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập DN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE Nguyễn Xuân Phú đã có những phút trải lòng với DN&PL về hành trình vươn ra biển lớn đầy ấn tượng của mình.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE.

Theo người đứng đầu tập đoàn hàng đầu về gia dụng của Việt Nam – Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE chia sẻ, chúng ta đang hưởng lợi từ sự dịch chuyển và không một quốc gia nào có tốc độ xây dựng nhà máy nhanh như Việt Nam. Đây là cơ hội cực kỳ lớn, gần như các thương hiệu lớn trên thế giới đều đặt hàng hay mua hàng từ Việt Nam. Nếu DN Việt đón nhận, tận dụng được cơ hội này thì sẽ tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chúng ta sẽ phát triển rất nhanh. Rất tiếc là chúng ta vẫn đang bị cản trở bởi các DN FDI và chưa học được nhiều từ họ, chưa chui được vào chuỗi cung ứng của họ. Và khi các cơ hội đó mất đi, chúng ta sẽ bị trả giá…

Khó khăn, thách thức với DN vẫn còn nhiều. Ông có thể chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc mà DN nói chung và SUNHOUSE đang phải đối mặt?

Hiện, SUNHOUSE đã có một nền tảng vô cùng vững chắc, có thể sản xuất và bán được linh kiện, đồ gia dụng, điện tử… Tuy nhiên, cái khó của SUNHOUSE cũng như Việt Nam là chúng ta đang tự bó mình. Cụ thể, về vấn đề phòng cháy, chữa cháy, xưởng của chúng tôi liên tục phải thay đổi, mỗi lần thay đổi lại phải cập nhật lại dây chuyền; Hay xin mở rộng nhà máy thì cũng mất vài năm để xin phép, chờ cấp phép vì chưa có quy hoạch chi tiết. Rồi bây giờ lại tiếp tục sáp nhập tỉnh, thành, thay đổi chính quyền 2 cấp… Đấy là muôn vàn vấn đề mà DN phải đối mặt, khiến họ lo lắng, không muốn mở rộng, phát triển.

Thực tế, DN làm ăn chân chính vô cùng vất vả. Để mở rộng DN, chúng ta phải quan tâm đến vấn đề thể chế, tài nguyên, con người… Đó là chưa kể lao động Việt Nam hiện nay tuyển dụng rất khó khăn do làn sóng chuyển dịch đổ bộ vào Việt Nam. Lương của người lao động của Việt Nam giờ còn lao hơn cả Trung Quốc, đặc biệt là khu vực 1. Dân số thì chững lại, lực lượng lao động trẻ đang có nhu cầu làm việc rất cao trong các lĩnh vực dịch vụ, hay banking và họ rất ngại làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp sản xuất. Vì thế Nhà nước cần tạo điều kiện để giúp cho các DN, đặc biệt DN ngành bán dẫn, công nghệ cao thu hút nhân công vào làm việc.

Được biết, SUNHOUSE đã áp dụng thương mại điện tử (TMĐT) từ năm 2008. Tuy nhiên, đây là một “cuộc chơi” tốn tiền nhiều của. Và thực tế, rất nhiều DN Việt đã thất bại trong “cuộc chiến” này khi bị trà trộn hàng giả, hàng nhái. Trong thời gian tới, khi TMĐT trở thành thống lĩnh, để có thế “sống” được và tiếp tục phát triển, SUNHOUSE lựa chọn con đường riêng nào cho mình, thưa ông?

Đúng vậy, khi thế hệ 9X, 2K gia nhập thị trường thì TMĐT sẽ trở thành thống lĩnh. Nhận thức được điều đó, bản thân tôi đã tập trung và chuẩn bị mọi điều kiện cho vấn đề này. Vì TMĐT là xuyên biên giới nên muốn mở rộng và phát triển, DN không thể nằm ngoài xu thế đó. Theo phương thức truyền thống, chúng ta phải mất rất nhiều chi phí cho việc xây dựng kênh, hệ thống bán hàng tại nước sở tại. Nhưng với kênh TMĐT, có thể ngồi đây nhưng bán hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Như vậy, TMĐT rất rộng, có thể kinh doanh xuyên biên giới một cách nhanh nhất, dễ nhất và chắc chắn nó sẽ là kênh bán hàng quan trọng nhất trong tương lai của SUNHOUSE.

Hiện, SUNHOUSE có hai kênh bán hàng chính là xuất khẩu và tăng trưởng qua TMĐT. Trong 2 năm gần đây, tăng trưởng duy nhất của chúng tôi là qua kênh TMĐT, còn các kênh khác đi ngang, thậm chí là suy giảm. Tuy nhiên, để bán hàng qua các kênh TMĐT lớn rất tốn kém, vì thế trước mắt chúng tôi sẽ vẫn tập trung vào TMĐT dựa trên các nền tảng của các kênh TMĐT, về lâu dài sẽ phải có các "sọt" riêng cho mình.

Thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng vẫn “sính” hàng ngoại, mà chưa mấy “mặn mà” với sản phẩm “Made in Vietnam”. Không chỉ vậy, hiện nay hàng giả, hàng nhái trên thị trường rất nhiều, ảnh hưởng đến uy tín của các DN làm ăn chân chính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Bản thân DN đã xây dựng bộ tiêu chuẩn SUNHOUSE ra sao để có thể đạt mục tiêu thương hiệu Việt và chuẩn quốc tế, trong chiến lược sắp tới của mình?

Trách nhiệm của DN phải hướng đến người tiêu dùng vì mình không bán cho người tiêu dùng thì bán cho ai. Và chất lượng, tiêu chuẩn quốc gia là rất quan trọng. Theo tôi, cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Khi các sản phẩm được công bố tiêu chuẩn, chất lượng rồi, người tiêu dùng sẽ hoàn toàn yên tâm, cũng như không phải kiểm tra lại thông tin. Tuy nhiên, cũng có những DN thiếu trung thực trong việc công bố thông tin, chất lượng.

Đối với hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm kiểm soát. Cơ quan truyền thông cũng phải chuyển tải thông tin đúng, đủ để người tiêu dùng nhận ra và sử dụng an toàn.

Đúng là người tiêu dùng Việt vẫn “sính” hàng ngoại nhập, có thương hiệu. Tuy nhiên, theo tôi người tiêu dùng đừng quan tâm nhiều đến xuất xứ, nguồn gốc, mà hãy chú ý đến chất lượng sản phẩm. Bởi, để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, các sản phẩm đã phải trải qua hàng rào quản lý chất lượng gắt gao, cũng như tối ưu hóa sản xuất để sản phẩm ngày càng chất lượng hơn. VD: Trước đây, SUNHOUSE phải nhập khẩu sản phẩm chảo chống dính từ Hàn Quốc, nhưng gần đây DN đã chủ động sản xuất được, với giá thành cạnh tranh với Hàn Quốc. SUNHOUSE có hệ thống quản lý chất lượng riêng, sản phẩm do Tập đoàn sản xuất luôn gắn với chất lượng. Và SUNHOUSE vẫn đang nỗ lực để tham gia vào OEM hàng đầu thế giới, theo chuẩn quốc tế…

Chúng tôi luôn nhìn thẳng vào sự thật, làm thật. Và chúng tôi không bao giờ “nhập nhèm” giữa sản phẩm của nước này với nước khác, cũng như sản phẩm do SUNHOUSE sản xuất. Chúng tôi tự hào và đủ năng lực khi sản xuất từ A đến Z các sản phẩm chất lượng cao, được các thị trường khó tính (Mỹ, Nhật Bản…) chấp nhận. Tuy nhiên, để cân bằng được bài toán giá cả và chất lượng là không dễ dàng. Bởi lẽ, hàng tốt thì giá cao, nhưng cao quá thì lại không bán được, còn người tiêu dùng thì luôn muốn mua sản phẩm rẻ nhưng chất lượng tốt. Đó là hai mâu thuẫn luôn giằng xé nhau.

Muốn sản phẩm chất lượng thì phải hiểu luật. Muốn sản phẩm tiêu dùng ở đâu thì phải hiểu luật pháp của quốc gia đó, thị trường đó. VD: Muốn phát triển sản phẩm tại thị trường Việt Nam thì phải hiểu về các tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và phải sản xuất đạt các chỉ tiêu đó. Bên cạnh đó, phải nắm được yêu cầu, mong muốn của khách hàng là gì? Họ muốn chất lượng đến đâu để đáp ứng? Hiện, SUNHOUSE đang hướng đến: Thứ nhất, phải tuân thủ tiêu chuẩn của nước sở tại, thị trường mà mình hướng đến; Hai là, hiểu rõ nhu cầu của khách hàng; Và cuối cùng là từ khát vọng của chính mình, DN mình muốn làm khác đối thủ, tốt hơn đối thủ, thì mình sẽ đưa các tiêu chuẩn đó vào…

Như chúng ta đã biết, sự ra đời của Nghị quyết 68/NQ-TW về kinh tế tư nhân sẽ tạo đà cho các DN phát triển. Vậy, SUNHOUSE sẽ nắm bắt, vận dụng chủ trương này như thế nào để vững bước phát triển, thưa ông?

Khi đón nhận Nghị quyết này, bản thân SUNHOUSE cũng rất mừng và hy vọng nhưng vì với kinh nghiệm của mình, chúng tôi không quá phụ thuộc vào Nhà nước vì bản thân DN luôn muốn nhường lại cơ hội cho các DN yếu thế hơn mình nên rất hiếm khi DN đi xin các ưu đãi của Nhà nước. Và chúng tôi luôn mong muốn tinh thần ấy được chuyển tải đến tất cả các tầng lớp, cơ quan quản lý, “thấm đẫm” đến từng người dân, để tránh tình trạng trên thì nóng, dưới thì lạnh; Trên bảo thế này, dưới lại làm khác…

Theo tôi, DN cũng như Nhà nước phải có những đột phá hơn về mặt thể chế cũng như cách hỗ trợ DN một cách thiết thực nhất. VD: Trung Quốc xây dựng rất nhiều gói hỗ trợ DN phát triển và họ lọc ra các ngành mũi nhọn mà tỉnh đó, DN đó muốn đầu tư phát triển. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Tây, khi Nhà nước muốn xây dựng một nhà máy sản xuất màn hình, họ sẽ chọn một vài DN có mong muốn đầu tư và họ đầu tư cùng. Tôi cho rằng, đây là một cách làm rất hay, rất hiệu quả…

Điều chúng ta cần là có cảm hứng, động lực để làm, chứ không cần phải miễn thuế, hay ưu đãi về đất, cần người dám làm, cùng chia sẻ rủi ro. Nếu làm được điều đó, Việt Nam mới có thể có được những ngành mới mang tính mũi nhọn…

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/doanh-nghiep-viet-khat-vong-toan-cau-ban-linh-vuon-xa-84618.html