Doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng hiệu quả các FTA

Trong khi đơn hàng giảm mạnh, chật vật bán hàng vào những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, thì 'khúc mắc' lớn là nhiều doanh nghiệp (DN) Việt vẫn chưa tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các DN cùng ngành hàng trên thế giới để có đơn hàng khi đầu ra khó khăn.

Mới đây, theo quan sát từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, hầu hết các thị trường xuất khẩu (XK) chính của Việt Nam đã chứng kiến mức tiêu dùng chậm lại trong vài tháng qua. Cụ thể là các thị trường như Mỹ (chiếm 29,5% tổng kim ngạch XK của Việt Nam hồi năm 2022), EU (chiếm khoảng 12,4% tổng kim ngạch), ASEAN (chiếm 9,1%), Nhật Bản (chiếm 6,5%) và Hàn Quốc (chiếm 6,5%).

Cạnh tranh gay gắt để có đơn hàng

Trong khi đó, theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta, kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ tích cực hơn từ quý 2/2023 nhờ vào việc lạm phát tại các nước đang giảm từ đỉnh và kỳ vọng Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) sẽ dừng nâng lãi suất từ cuối quý 2/2023 giúp nhu cầu hồi phục. Đồng thời, kỳ vọng Trung Quốc mở cửa rõ nét từ giữa 2023 (các ngành kỳ vọng hưởng lợi gồm: Dệt may, sắt thép, hóa chất, cao su, nông sản).

Giữa khó khăn về đầu ra đang đòi hỏi các DN xuất khẩu cần tận dụng hiệu quả hơn nữa các FTA.

Còn hiện tại, qua ghi nhận của VnBusiness ở một số tỉnh thành phía Nam có thế mạnh về sản xuất công nghiệp và sôi động trong hoạt động xuất nhập khẩu thì thấy rằng có nhiều DN tiếp tục gặp khó khăn do đơn hàng giảm mạnh, chật vật bán hàng vào những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Có nhiều DN phải chịu tình cảnh giảm đơn hàng đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái khi mà sức mua tại những thị trường nêu trên còn hạn chế. Để cải thiện tình hình XK, các DN nỗ lực tìm thêm đơn hàng từ những thị trường mới nhưng vẫn còn cần thêm thời gian.

Giữa lúc đơn hàng sụt giảm như vậy, có không ý kiến cho rằng các DN trong nước lại càng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ các DN cùng ngành hàng trên thế giới để có được đơn hàng nhằm duy trì sản xuất. Cho nên, nếu xét về lợi thế khi Việt Nam đã tham gia đến 17 FTA thì các DN Việt cần tận dụng những ưu đãi thuế quan về xuất nhập khẩu trong các hiệp định này để vừa giảm bớt sức ép cạnh tranh, vừa tăng thêm đơn hàng mới.

Thế nhưng, điều đáng lo là các DN chưa thể tận dụng hiệu quả những ưu đãi thuế quan trong các FTA, từ xuất khẩu cho đến nhập khẩu. Các DN vẫn chưa thể khai thác lợi thế từ những FTA để mở thêm thị trường tiêu thụ sang các nước thành viên khác mà lâu nay DN chưa chú trọng khai thác sâu.

Chẳng hạn như với FTA Việt Nam - EU (EVFTA), trong 27 nước thuộc EU thì có nhiều DN Việt XK chủ yếu giao thương với 5-6 nước, còn lại hơn 20 quốc gia khác giao thương vẫn còn rất ít. Tương tự, trong các FTA thế hệ mới khác như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), việc giao thương cũng được các DN nhắm chủ yếu vào những thị trường lớn, còn thị trường nhỏ lại bỏ ngỏ.

Khắc phục yếu tố cản trở

Như lưu ý của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), đợt vừa rồi khi chuẩn bị xây dựng 17 nghị định mới, Bộ Tài chính có thống kê cho thấy tỷ lệ tận dụng các FTA rất là thấp.

Đơn cử như FTA giữa ASEAN với Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) có tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan chỉ là 0,1%. Hay là FTA giữa ASEAN và Ấn Độ là 2%. Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) là 5%. Khả dĩ hơn là FTA giữa ASEAN với Australia và New Zealand, số liệu cách đây 2 năm cho thấy tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan với hàng nhập khẩu từ hai thị trường này vào Việt Nam chỉ có 6%.

“Cho đến bây giờ, theo thống kê mà chúng tôi thấy trong giai đoạn 2018 - 2021 thì FTA mà tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan được xem là trong nhóm tốt nhất phải kể đến là Hiệp định Thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA) với tỷ lệ 43%”, bà Trang chia sẻ.

Điều đó cho thấy tỷ lệ tận dụng là rất thấp so với tổng kim ngạch nhập khẩu. Nghĩa là DN sử dụng những biểu thuế trong các FTA này là rất ít so với sử dụng biểu thuế chung là biểu thuế tối huệ quốc (MFN).

Ngay như trong ngành điều. Thách thức lớn hiện nay là tiêu dùng giảm trên toàn cầu, chi phí chế biến ngày càng tăng, lạm phát ở các thị trường tiêu thụ chính của nhân điều Việt Nam, phần lớn các nhà nhập khẩu nhân điều của EU, Mỹ và các nước khác đều không có nhu cầu mua nhân điều cho đến hết quý II/2023.

Để giảm bớt khó khăn về thị trường cho các DN xuất khẩu điều, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, cho rằng chính bản thân họ phải chủ động hiểu rõ và tận dụng hiệu quả 17 FTA. Điều quan trọng là các DN ngành điều cần nắm rõ thủ tục để xin cấp được chứng nhận xuất xứ hàng hóa, biểu mẫu tốt nhất nhằm xuất nhân điều đi các nước với thuế suất 0%.

“Với những FTA được Việt Nam ký kết, từ nước XK đến nước NK, theo quy định DN hoạt động trong lĩnh vực và cùng mặt hàng có thể xin C/O được 18 hình thức khác nhau. Vì vậy, việc kê khai tên hàng, xuất xứ, đơn vị tính, mã loại lô hàng xin cấp chứng nhận C/O là rất cần thiết. Nếu DN làm xuất nhập khẩu thực hiện sai thì DN XK điều nhân sẽ thiệt hại rất lớn”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), yếu tố cản trở DN tận dụng từ các FTA là thông tin cần thiết về FTA vẫn là vấn đề lớn. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh hạn chế là lực cản chủ yếu.

Trước tình hình khó khăn về mặt XK như trong quý 1/2023 này, vấn đề đặt ra là làm sao các DN gia tăng tỷ lệ tận ưu đãi thuế quan từ các FTA, làm sao có nhiều DN Việt XK sang thị trường thế hệ mới nhiều hơn, làm sao tránh nguy cơ mất lợi thế từ các FTA…lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-viet-van-chua-tan-dung-hieu-qua-cac-fta-1091233.html