Doanh nghiệp Xuân Trường muốn đầu tư phục dựng Phố Hiến cổ ra sao?

Doanh nghiệp Xuân Trường sẽ huy động 27.813 tỷ đồng để xây dựng toàn bộ dự án phục dựng Phố Hiến cổ. Chủ đầu tư muốn trực tiếp quản lý dự án và chịu trách nhiệm, kiến nghị giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động tín ngưỡng…

Như Người Đô Thị đã thông tin, ngày 11.4.2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp đề nghị phối hợp nghiên cứu, có ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Hưng Yên tại báo cáo số 21 ngày 4.3.2025 gửi Thủ tướng Chính phủ về đề án “Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ”, liên quan đến sự cần thiết về chủ trương triển khai thực hiện dự án; chống ngập lụt và bảo vệ môi trường; nguồn vốn đầu tư; ưu đãi đầu tư; tiến độ giải phóng mặt bằng… theo chức năng quản lý nhà nước của các bộ để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn miếu Xích Đằng là một di tích quan trọng thuộc quần thể di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên. Với gần 400 năm tồn tại, ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng. Ảnh: Trần Việt Anh

Văn miếu Xích Đằng là một di tích quan trọng thuộc quần thể di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên. Với gần 400 năm tồn tại, ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng. Ảnh: Trần Việt Anh

Trong diễn biến liên quan, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (chủ đầu tư dự án khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở Ninh Bình; khu du lịch Tam Chúc ở Hà Nam…) cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất làm chủ đầu tư dự án “Phục dựng Phố Hiến cổ - bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững tỉnh Hưng Yên” do doanh nghiệp này lập đề án. Theo đó, Xuân Trường cam kết đầu tư đưa vào khai thác theo đúng tiến độ, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng và bảo tồn giá trị di tích, đồng thời nỗ lực khai thác du lịch một cách hài hòa, mang lại lợi ích kinh tế gắn liền với trách nhiệm xã hội và văn hóa.

Theo tờ trình, dự án phục dựng Phố Hiến cổ sẽ triển khai trên tổng diện tích khoảng 1.708,9 ha, chia thành 4 phân khu chính. Mỗi phân khu mang chức năng riêng biệt nhưng đồng bộ nhằm tái hiện nét độc đáo và lịch sử của khu vực, đồng thời phát triển du lịch bền vững:

Sơ đồ tổ chức phân vùng chức năng của dự án phục dựng Phố Hiến cổ theo đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường (Ảnh trích từ đề án)

Phân khu I - Phân khu phục Hiến (399,3 ha): Tâm điểm là khu vực tái hiện thương cảng quốc tế Phố Hiến xưa, kết hợp không gian kinh tế đêm và các tuyến phố đi bộ đa văn hóa.

Chức năng chính: khu đón tiếp Cầu Cảng (điểm khởi đầu hành trình khám phá với không gian đón khách, trung tâm thông tin du lịch và dịch vụ hướng dẫn); khu đảo phục Hiến gồm các điểm nhấn: đảo phồn hoa (không gian tái hiện nhịp sống giao thương sầm uất); bến bán nguyệt và bến Đông Đô Quảng Hội (phục dựng không gian bến tàu đón tiếp thuyền buôn từ các nước); phố đi bộ đặc trưng quốc gia (mỗi tuyến phố mang phong cách kiến trúc và văn hóa của các quốc gia từng giao thương với Phố Hiến: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp...);

Thương cảng châu Âu (tái hiện kiến trúc và hoạt động thương mại mang nét đặc trưng của thương nhân châu Âu); tuyến đường thủy ngắm cảnh (du thuyền trên sông với cảnh quan tái hiện thương cảng xưa); công viên Phố Hiến (không gian công cộng xanh kết hợp điểm check-in và tổ chức các sự kiện nhỏ); khu tâm linh (đền Trình và đình Phục Hiến, nơi người dân và du khách có thể tìm hiểu tín ngưỡng và cầu an).

Phối cảnh khu chùa Phục Hiến và đền thờ cụ Lê Đình Kiên - vị quan thời Lê Trịnh, triều vua Vĩnh Tộ, đã có công lớn xây dựng Phố Hiến trở nên sầm uất, nổi danh đương thời “Thứ nhất kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” (Ảnh trích từ đề án)

Phân khu II - Phân khu lễ hội (427,5 ha): Là khu vực trung tâm dành cho các hoạt động văn hóa, lễ hội, hội nghị với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Chức năng chính: khu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng (tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ hội đền Trần, chùa Hiến và các hoạt động tín ngưỡng); trung tâm hội nghị quốc tế (cơ sở vật chất hiện đại phục vụ các hội nghị lớn trong và ngoài nước); trung tâm tài chính quốc tế (việc xây dựng trong khu vực phục dựng Phố Hiến cổ không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương mà còn tạo nên một điểm nhấn hiện đại, hội nhập quốc tế); quảng trường tổ chức sự kiện (không gian lớn tổ chức các lễ hội ngoài trời, buổi biểu diễn và hội chợ văn hóa); công viên văn hóa, thể thao (không gian giao lưu văn hóa kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời); không gian hoạt động ngoài trời (khu vực dành cho các buổi trình diễn nghệ thuật, lễ hội truyền thống hoặc hội chợ).

Phối cảnh trung tâm hội nghị quốc tế trong đề án phục dựng Phố Hiến cổ

Phối cảnh trung tâm hội nghị quốc tế trong đề án phục dựng Phố Hiến cổ

Phân khu III - Phân khu dịch vụ và biểu diễn thực cảnh (467,0 ha): Phân khu kết hợp dịch vụ du lịch và các chương trình biểu diễn thực cảnh tái hiện lịch sử, văn hóa Phố Hiến.

Chức năng chính: khu cắm trại, sinh hoạt cộng đồng ven sông (không gian cho các hoạt động nhóm và cộng đồng); không gian mở ven sông (tuyến đường dạo bộ kết hợp cảnh quan thiên nhiên và các điểm nghỉ chân); khu nhà hàng, khách sạn, thương mại và dịch vụ bến thuyền (phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của du khách); bến thuyền du lịch đảo Hải Đăng (điểm nhấn kiến trúc với ngọn hải đăng mang tính biểu tượng, kết hợp các dịch vụ du lịch); khu vui chơi giải trí (đa dạng các hoạt động từ truyền thống đến hiện đại); khu trình diễn thực cảnh (trục lễ hội và các chương trình biểu diễn lịch sử, văn hóa đặc sắc trên sông).

Từ trên xuống: Phối cảnh kiến trúc phố người Việt, phố người Hoa, phố Indonesia, phố Bồ Đào Nha,… trong đề án phục dựng Phố Hiến cổ

Từ trên xuống: Phối cảnh kiến trúc phố người Việt, phố người Hoa, phố Indonesia, phố Bồ Đào Nha,… trong đề án phục dựng Phố Hiến cổ

Phân khu IV - Phân khu cây xanh sinh thái ven sông Hồng (415,1 ha): khu vực xanh mát, tạo không gian trải nghiệm nông nghiệp và thư giãn cho du khách.

Chức năng chính: vườn cây ăn quả, check-in (không gian trồng cây đặc sản địa phương, phục vụ tham quan và chụp ảnh); khu trải nghiệm nông nghiệp (tái hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, kết hợp với khu vườn ươm đô thị).

Để tăng trải nghiệm đường thủy, dự án sẽ đầu tư 4.000 thuyền chèo tay và 100 thuyền gỗ cổ 2 tầng, tái hiện các thuyền giao thương từ 12 quốc gia; bố trí thuyền máy cứu hộ và các thiết bị hỗ trợ để đảm bảo an toàn; phục vụ các chương trình trình diễn thực cảnh và tham quan toàn dự án qua tuyến đường thủy.

Phối cảnh không gian kiến trúc cảnh quan của dự án phục dựng Phố hiến cổ (đường viền đỏ là ranh dự án. Ảnh trích từ đề án)

Liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư cho biết dự án phục dựng Phố Hiến cổ nằm tại khu vực bãi bồi ngoài đê, chịu ảnh hưởng của lũ lụt từ hệ thống sông Hồng và sông Luộc. Để đảm bảo an toàn khu vực phục dựng di tích, cần có giải pháp chống ngập lụt lâu dài.

Do đó, dự án đề xuất xây dựng tuyến đê bao, kè mái sông, kết hợp làm đường giao thông (tổng chiều dài khoảng 17,5 km). Ngoài ra, sẽ xây dựng tuyến giao thông trục chính kết nối các khu chức năng (tổng chiều dài tuyến khoảng 15 km); đào hồ nhân tạo (khoảng 361,39 ha, phục vụ giao thông thủy cho tàu thuyền và kiến tạo không gian cảnh quan cho dự án)…

Theo phương án đầu tư do doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất, tổng mức đầu tư là 47.241 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 19.608 tỷ đồng (ngân sách trung ương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 10.795 tỷ đồng, ngân sách địa phương giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án 8.813 tỷ đồng).

Nhà đầu tư Xuân Trường sẽ huy động 27.813 tỷ đồng để xây dựng toàn bộ dự án phục dựng Phố Hiến cổ. Nhà đầu tư trực tiếp quản lý dự án và chịu trách nhiệm: đầu tư xây dựng dự án theo chấp thuận đầu tư; quảng bá hình ảnh Phố Hiến và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; đảm bảo bảo trì và vận hành các hạng mục công trình trong thời gian đầu tư.

“Đề nghị ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, thiết bị cho dự án; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo Luật đầu tư…”, Tờ trình nêu.

Phía rìa phải ngoài đê là bãi bồi và sông Hồng, khu vực thuộc dự án phục dựng phố Hiến cổ. Ảnh: Nam Trần

Phía rìa phải ngoài đê là bãi bồi và sông Hồng, khu vực thuộc dự án phục dựng phố Hiến cổ. Ảnh: Nam Trần

Thời gian đầu tư của dự án được đề xuất là 20 năm (2025 - 2045). Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm. Trường hợp chậm bàn giao đất cho nhà đầu tư thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.

Doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất hai hình thức sử dụng đất:

Cho thuê đất: Trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, gồm đất thương mại - dịch vụ (khu vực chợ, cửa hàng, dịch vụ ăn uống và các không gian kinh doanh phục vụ khách du lịch; đất xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn và các dịch vụ hỗ trợ du lịch…); đất xây dựng công trình lưu trú (các khu homestay, nhà ở phong cách truyền thống, tái hiện không gian sinh hoạt đời sống cư dân xưa…). Thời gian thuê đất 70 năm kể từ ngày hoàn thành đưa vào khai thác.

Giao đất không thu tiền sử dụng đất: gồm đất công trình công cộng (xây dựng quảng trường, công viên, đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe và các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng); đất công trình văn hóa (xây dựng các công trình văn hóa, bảo tàng, di tích lịch sử, khu vực tái hiện đời sống Phố Hiến cổ); đất tôn giáo (xây dựng các công trình phục vụ hoạt động tín ngưỡng như chùa, đền, nhà thờ. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo để phục vụ mục đích hợp pháp).

Phố Hiến hôm nay là một đô thị nhỏ trong thành phố Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Dương

Phố Hiến hôm nay là một đô thị nhỏ trong thành phố Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Dương

Mục tiêu đầu tư được doanh nghiệp Xuân Trường cho biết sẽ xây dựng Phố Hiến thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử quy mô lớn, kết nối với các di sản quan trọng như Hà Nội, Chùa Hương, Tam Chúc, Tràng An - Bái Đính, tạo thành tuyến du lịch liên vùng hấp dẫn. Thu hút 7-10 triệu lượt khách/năm, trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn nhất miền Bắc…

“Đề án phục dựng Phố Hiến cổ đặt mục tiêu xây dựng thành điểm đến văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận Phố Hiến là Di sản Văn hóa Thế giới.

Với việc phục dựng các khu phố cổ, thương cảng, thuyền cổ, văn hóa giao thoa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, dự án không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho các thế hệ mai sau”, doanh nghiệp Xuân Trường cho biết.

Phạm Tuấn - Hoàng Khải

Như Người Đô Thị đã thông tin, địa điểm thực hiện dự án phục dựng Phố Hiến cổ thuộc địa phận các phường Minh Khai, Hiến Nam, Lam Sơn, Hồng Châu; các xã Quảng Châu, Hoàng Hanh, Tân Hưng (thành phố Hưng Yên). Phương án phục dựng được chủ đầu tư Xuân Trường đề xuất:

Bảo tồn nguyên trạng các di tích hiện có: Khảo sát và lập hồ sơ di tích (nghiên cứu chi tiết các di tích còn lại như chùa Hiến, đình chùa Chuông, đền Trần, Đông Đô Quảng Hội... để xác định các yếu tố cần bảo tồn); cải tạo không gian (giữ nguyên kiến trúc gốc, chỉ tu sửa những phần xuống cấp; dùng vật liệu truyền thống như gỗ, gạch nung… để tái hiện phong cách cổ); chống xuống cấp (sử dụng phương pháp khoa học hiện đại để bảo vệ các công trình khỏi ảnh hưởng thời tiết và sự hủy hoại của tự nhiên).

Phục dựng theo hình ảnh thương cảng Phố Hiến xưa: Tái hiện không gian thương cảng (phục dựng các dãy phố cổ ven sông, bến thuyền và các kho hàng với kiến trúc mang đậm nét Việt Nam kết hợp với phong cách Á - Âu); chợ cổ và thương mại (xây dựng khu chợ cổ tái hiện hoạt động buôn bán sầm uất của Phố Hiến gồm các gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, trà, lụa và sản vật đặc trưng); không gian sinh hoạt cộng đồng (tạo không gian tổ chức các lễ hội như lễ hội đền Mẫu, hội chùa Chuông, tái hiện cuộc sống người dân xưa).

Kết hợp di sản và hiện đại: Quy hoạch cảnh quan (xây dựng công viên văn hóa lịch sử xung quanh các di tích, kết hợp hồ nước và cây xanh); hệ thống ánh sáng và công nghệ (sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ thực tế ảo tái hiện lịch sử Phố Hiến); khu trải nghiệm di sản (tạo các không gian trải nghiệm như nhà cổ, xưởng thủ công, khu vực chụp ảnh với trang phục cổ).

Phát triển du lịch bền vững: Phát triển giao thông nội bộ (sử dụng phương tiện thân thiện môi trường như xe điện, xe đạp để di chuyển trong khu phố cổ; hướng dẫn viên và thông tin đa ngôn ngữ (đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, xây dựng hệ thống bảng chỉ dẫn nhiều ngôn ngữ nhằm phục vụ du khách quốc tế); tổ chức tour tham quan (tạo các tour du lịch gắn với khám phá Phố Hiến cổ, thăm làng nghề truyền thống, trải nghiệm ẩm thực đặc sản Hưng Yên).

Khôi phục văn hóa phi vật thể: Lễ hội truyền thống (phục hồi các lễ hội đặc sắc như lễ hội đền Trần, lễ hội chùa Hiến); nghệ thuật truyền thống (biểu diễn ca trù, quan họ, hoặc hát chèo tại các không gian tái hiện văn hóa; làng nghề truyền thống.

Hợp tác quốc tế và cộng đồng: Tham khảo ý kiến chuyên gia quốc tế (làm việc với các chuyên gia di sản UNESCO để đảm bảo tính nguyên bản và giá trị văn hóa); thu hút sự tham gia của cộng đồng. Cân nhắc hài hòa giữa yếu tố lịch sử, văn hóa và nhu cầu phát triển kinh tế bền vững.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/doanh-nghiep-xuan-truong-muon-dau-tu-phuc-dung-pho-hien-co-ra-sao-48223.html