Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng: Cần nhìn nhận chuyển đổi kép là bài toán sống còn, không phải gánh nặng

Giữa những thách thức bủa vây ngành vật liệu xây dựng trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng tin rằng 'chuyển đổi kép' là bài toán sống còn. Các doanh nghiệp ngành sơn, vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động của thị trường, đang nỗ lực vừa chuyển đổi số, vừa chuyển đổi xanh để tìm kiếm cơ hội mới, hướng tới phát triển bền vững.

Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ, Phó Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam. Ảnh: NVCC

Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ, Phó Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam. Ảnh: NVCC

Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam được nhận định đang trải qua "cơn gió ngược" với hàng loạt thách thức bủa vây như thị trường bất động sản trầm lắng, giá nguyên vật liệu biến động mạnh, cạnh tranh gay gắt, tồn kho tăng cao, dòng tiền eo hẹp và những vướng mắc dai dẳng về thủ tục pháp lý. Trong bối cảnh đó, ngành sơn, vốn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng, cũng không tránh khỏi vòng xoáy khó khăn. Ngành sơn phải trực tiếp hứng chịu những biến động tiêu cực từ thị trường bất động sản, cùng với đó là áp lực từ giá nguyên liệu leo thang và yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để thích ứng với xu thế phát triển bền vững.

Chia sẻ với phóng viên, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ, Phó Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) cho hay: “Thị trường bất động sản trầm lắng trong giai đoạn dài đã tác động mạnh mẽ đến ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành sơn nói riêng. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2023, cả chỉ số nguồn cung và lượng tiêu thụ bất động sản đều giảm”.

Là một trong những mặt hàng trong nhóm ngành vật liệu xây dựng, ngành sơn, mặc dù có vòng đời sản phẩm ngắn hơn so với các loại vật liệu xây dựng khác, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. "Ngành sơn vừa là ngành vật liệu xây dựng, vừa là ngành hóa chất. Vòng đời của sơn ngắn hơn, chỉ khoảng 5-10 năm, nên mức độ giảm có thể không sâu như sắt, thép, xi măng... Tuy nhiên, sản lượng ngành sơn cũng giảm khoảng 40-45% so với năm 2019. Doanh thu thậm chí còn giảm hơn, khoảng 50%, do các doanh nghiệp cạnh tranh bằng cách giảm giá và khuyến mại” - ông Thắng phân tích.

Bài toán sống còn

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành xây dựng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, coi đây là xu thế tất yếu và động lực mới cho phát triển. Bộ Xây dựng cũng đã cụ thể hóa chỉ đạo này bằng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10-15% và đến năm 2050 giảm 25-30% cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP so với năm 2014. Kế hoạch cũng hướng tới mục tiêu sử dụng 45% tro, xỉ, thạch cao trong sản xuất vật liệu xây dựng và đạt tỷ lệ đô thị hóa trên 50% vào năm 2030.

Các công ty chứng khoán nhận định, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với ngành vật liệu xây dựng, tương tự như các ngành sản xuất khác. Tuy nhiên, tốc độ triển khai chuyển đổi trong ngành này hiện còn tương đối chậm so với các ngành khác như ngân hàng, viễn thông hay bán lẻ.

Theo ông Nguyễn Tiến Thắng, với thị hiếu thay đổi từ phía người tiêu dùng cùng các quy định ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp trong ngành đang đứng trước “bài toán sống còn” là cạnh tranh gay gắt không chỉ về giá cả, chất lượng mà còn về mức độ "xanh" của sản phẩm và yếu tố “số” trong sản xuất cũng như đưa sản phẩm ra thị trường.

Chuyển đổi kép không còn là lựa chọn, mà đã là vấn đề "sống còn" của doanh nghiệp. Ảnh: CTCP Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ.

Chuyển đổi kép không còn là lựa chọn, mà đã là vấn đề "sống còn" của doanh nghiệp. Ảnh: CTCP Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ.

Tại Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ, trong quá trình chuyển đổi kép hiện nay, ông Thắng chia sẻ doanh nghiệp đang tiến tới ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, vào dịch vụ bán hàng, truyền thông và tự động hóa một phần dây chuyền sản xuất. Song song, doanh nghiệp nhận thức rõ trách nhiệm đảm bảo sản phẩm và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải và phát thải. Một ví dụ cụ thể là doanh nghiệp đã áp dụng việc thu gom và tái sử dụng nước thải trong sản xuất, vừa thể hiện trách nhiệm với môi trường, vừa tối ưu nguồn nguyên liệu.

“Trong ngành sơn, nước thải chủ yếu là nước rửa, doanh nghiệp sẽ thu gom và tái sử dụng để sản xuất tiếp. Việc này không chỉ thể hiện được trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường, vừa tối ưu hóa nguồn nguyên liệu. Đồng thời, chúng tôi cũng áp dụng công nghệ và nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, các chất liệu này đã được chứng nhận an toàn cho môi trường và sức khỏe con người.

Khi nói đến sơn, một trong những yếu tố quan trọng cần được xem xét chính là hàm lượng VOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, thường được tìm thấy trong các sản phẩm như sơn, keo và các chất phụ gia). Doanh nghiệp đã tìm ra và sử dụng các nguyên vật liệu không có hợp chất này. Mặc dù điều này cũng khiến chi phí sản xuất đội lên, nhưng là một doanh nghiệp có trách nhiệm với người tiêu dùng và xã hội thì cần phải thay đổi”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chuyển đổi kép là thách thức nhưng không phải gánh nặng

Từ góc độ chung, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng chia sẻ rằng trong quá trình chuyển đổi kép hiện nay, các doanh nghiệp - nhất là các đơn vị nhỏ và vừa vốn chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trong nước - vẫn đối diện với hàng loạt rào cản, thách thức, chẳng hạn như chi phí đầu tư cao, thiếu chính sách hỗ trợ, chuỗi cung ứng phức tạp...

Với ngành vật liệu xây dựng, một phân tích hồi đầu năm 2024 của Chứng khoán SSI cho hay các doanh nghiệp trong ngành đang bắt đầu chú trọng đầu tư vào chuyển đổi số, tập trung vào tự động hóa sản xuất và tối ưu hóa quy trình. Tuy nhiên, rào cản về chi phí đầu tư và năng lực nhân sự đang làm chậm quá trình này. Việc thiếu hụt nhân sự có chuyên môn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một rào cản khác, theo ông Thắng, là vấn đề thủ tục hành chính. “Quá trình chuyển đổi từ thủ tục hành chính offline (trực tiếp) sang online đang trong giai đoạn quá độ, dẫn đến sự "lửng lơ". Mặc dù nhiều thủ tục được chuyển sang online nhưng thực chất chỉ đạt được khoảng 50%, phần còn lại doanh nghiệp vẫn phải thực hiện theo cách truyền thống. Ví dụ như doanh nghiệp thực hiện các bước làm online, nhưng sau đó in hồ sơ, chuẩn bị các giấy tờ liên quan và đến gặp gỡ các cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó là sự chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan ban ngành. Với các ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành sơn, doanh nghiệp chịu sự quản lý của nhiều cấp, từ cấp xã, huyện, tỉnh/thành phố đến các bộ, ban, ngành trung ương. Cùng một vấn đề nhưng doanh nghiệp phải làm việc với nhiều cơ quan khác nhau. Quyền hạn của các cơ quan quản lý chồng chéo, dẫn đến việc doanh nghiệp "cấp nào cũng sợ", ông Thắng cho biết.

 Ảnh: CTCP Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ.

Ảnh: CTCP Liên doanh Sơn quốc tế Mỹ.

Chẳng hạn như vấn đề quan trắc môi trường, theo ông Thắng, doanh nghiệp phải thực hiện quan trắc môi trường để đáp ứng yêu cầu của Sở Y tế và Ban quản lý các khu công nghiệp, nhưng không sử dụng chung kết quả được, việc này đã khiến tăng chi phí. Ngoài ra, cũng có trường hợp doanh nghiệp phải tiếp đón nhiều đoàn kiểm tra từ các cơ quan khác nhau cho cùng một nội dung. Do đó, vị lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất giảm thiểu thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hợp nhất các yêu cầu quản lý và tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhìn về dài hạn, ông Thắng khẳng định mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng việc chuyển đổi kép trong bản thân doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, cũng như việc lan tỏa xu hướng này rộng khắp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết. Và trong quá trình đó, bên cạnh những định hướng của Đảng và Chính phủ thì sự sáng tạo mạnh mẽ, ý thức thúc đẩy chuyển đổi trong bản thân cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

“Từ góc độ một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cần nhìn nhận đầu tư cho chuyển đổi kép không phải là gánh nặng, mà là chi phí để đón đầu cơ hội”, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng chia sẻ.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-nguyen-tien-thang-can-nhin-nhan-chuyen-doi-kep-la-bai-toan-song-con-khong-phai-ganh-nang.html