Doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ phục hồi dù nhu cầu 'hạ nhiệt'

Doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ phục hồi vào tháng 8/2022, khi người Mỹ tăng cường mua ô tô và dùng bữa bên ngoài nhà hàng giữa bối cảnh giá xăng giảm.

Song nhu cầu tiêu dùng lại đang “hạ nhiệt” khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát.

Khách hàng chọn mua đồ tại một cửa hàng ở New York (Mỹ) ngày 11/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Khách hàng chọn mua đồ tại một cửa hàng ở New York (Mỹ) ngày 11/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Chi tiêu tiêu dùng có thể vẫn được hỗ trợ bởi sức mạnh bền bỉ của thị trường lao động, với các dữ liệu mới công bố ngày 15/9 cho thấy, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng.

Dữ liệu này nằm trong loạt báo cáo cuối cùng được công bố trước thềm cuộc họp chính sách của Fed vào trong hai ngày 20- 21/9 tới. Với việc Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bất ngờ trong tháng 8/2022, các dữ liệu kinh tế khác của Mỹ được cho là cũng tạo động lực để Fed tiến hành nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp.

Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường tài chính FWDBONDS, có trụ sợ tại New York cho biết: "Nhu cầu tiêu dùng dường như đang chậm lại trong quý III/2022, nhưng lượng việc làm bị mất lại khiêm tốn hơn so với cùng thời điểm của chu kỳ kinh tế”. Theo ông Rupkey, "những đám mây đen” của suy thoái đe dọa nền kinh tế đã bớt nghiêm trọng hơn và điều này có thể sẽ thuyết phục các quan chức Fed “không khoan nhượng” trong lập trường tăng lãi suất.

Cụ thể, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Tám vừa qua tăng 0,3% so với tháng trước đó, một phần nhờ hoạt động mua sắm sôi động trong mùa tựu trường. Tuy vậy, doanh số bán lẻ trong tháng 7/2022 của Mỹ đã được điều chỉnh là giảm 0,4%, thay vì đi ngang như báo cáo trước đó. Doanh số bán lẻ, phần lớn là hàng hóa và không được điều chỉnh theo tình hình lạm phát, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Tám vừa qua.

Một số nhà kinh tế thất vọng rằng doanh số bán lẻ hàng tháng không đảo ngược mức giảm của tháng Bảy, mặc dù người tiêu dùng nhận được sự hậu thuẫn từ giá xăng dầu giảm. Họ nói rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy lạm phát cao dai dẳng đã buộc nhiều người tiêu dùng cắt giảm hoạt động chi tiêu tùy ý để tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Mặc dù lạm phát vẫn là một vấn đề đau đầu, nhưng nó không có khả năng trở thành “cố thủ”, khi một báo cáo riêng từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, giá nhập khẩu của nước này giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8/2022, nhờ giá hàng hóa giảm và đồng USD mạnh.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, giá xăng đã giảm khoảng 20% so với mức kỷ lục xác lập hồi tháng 6/2022. Doanh thu bán hàng tại các trạm xăng đã giảm 4,2% trong tháng trước, nhưng doanh thu tại các đại lý ô tô tăng 2,8%.

Doanh số bán hàng tại các cửa hàng quần áo và hàng hóa tổng hợp tăng trưởng mạnh, nhờ hoạt động mua sắm mùa tựu trường. Nhưng hoạt động thương mại điện tử và doanh số bán lẻ đặt hàng qua mail lại giảm 0,7%, sau khi tăng trưởng đột biến trong tháng trước nhờ chương trình khuyến mại Prime Day của Amazon.

Doanh thu tại các cửa hàng nội thất giảm 1,3%, trong khi doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn tăng 1,1%. Doanh số bán hàng tại các cửa hàng điện tử và thiết bị giảm 0,1%. Đáng chú ý, doanh thu tại quán bar và nhà hàng, các nhóm dịch vụ duy nhất trong báo cáo doanh số bán lẻ, tăng 1,1%.

Cho đến nay, hầu hết các ước tính về tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2022 đều dưới mức 2%. Nền kinh tế số 1 thế giới suy giảm 0,6% trong quý II, sau khi giảm 1,6% trong quý I. Tuy nhiên, nó vẫn không chứng tỏ một đợt suy thoái, bởi tăng trưởng dựa trên thu nhập vẫn tăng 1,4% trong quý II vừa qua, nhờ khả năng phục hồi của thị trường lao động.

Mặc dù chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đã không khiến thị trường lao động chậm lại đáng kể, song hoạt động sản xuất đang bắt đầu cảm nhận sự khó khăn. Sản lượng tại các nhà máy sản xuất của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 8/2022.

Nhà kinh tế trưởng Rubeela Farooqi tại công ty tư vấn kinh tế High Frequency Economics, cho rằng các ràng buộc của chuỗi cung ứng và áp lực về giá cả dường như đang được nới lỏng. Đó là dấu hiệu tích cực cho sản xuất. Nhưng đà tăng trưởng của lĩnh vực này có thể còn hạn chế do nhu cầu tiêu thụ chậm lại và quan ngại về các yếu tố kinh tế bên ngoài gia tăng./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-so-ban-le-cua-my-bat-ngo-phuc-hoi-du-nhu-cau-ha-nhiet/258780.html