Phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc, tăng 15 bậc so với 2022 và được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức rất cao.
Chiều 6/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), chủ trì Phiên họp lần thứ 10 để tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS Nguyễn Hòa Bình. Phiên họp kết nối trực tuyến tới điểm cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương trong cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang chủ trì phiên họp tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi. Dự họp có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn và các thành viên Ban chỉ đạo CĐS tỉnh; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo CĐS và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh.
Theo Bộ TT&TT, về tình hình CĐS Quốc gia, năm 2024, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "rất cao". Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3%, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á.
Thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm tăng hơn 50%, dẫn đầu Đông Nam Á. Về xã hội số, lần đầu tiên, tỷ lệ truy cập các nền tảng số "Make in Vietnam" so với các nền tảng số nước ngoài vượt 20%, đạt 25,25% tăng 5,62% so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có số lượng người dùng nền tảng số nội địa ở mức cao.
Cổng DVC quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp (70,8% tổng số TTHC). Từ tháng 7/2024 dùng VNeID để đăng nhập, sử dụng DVC trực tuyến (khoảng 425.000 lượt/ngày) tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chứng thư chữ ký số cấp cho người dân trưởng thành năm 2024 đạt 12,5 triệu, tăng 58,6% so với với năm 2023.
Hiện có 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh/sinh viên có hồ sơ học tập số; 100% bệnh viện, trung tâm y tế công, cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm 2024, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện 5 nhóm vấn đề: Pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn bảo mật và nguồn lực triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.
Hiện 17 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. 100% bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp chuyển đổi sử dụng VneID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại địa phương đạt hơn 67%, bộ ngành đạt gần 61%. Bộ Nội vụ đã đồng bộ 2,4 triệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức vào Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ làm sạch, tạo lập dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương với 99,6 triệu thông tin. Đến nay đã cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, thu nhận 81 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử và có gần 60 triệu tài khoản đã kích hoạt.
Thực hiện chi trả không dùng tiền mặt các chế độ an sinh xã hội cho hơn 2,5 triệu người dân, với tổng số tiền hơn 24 nghìn tỷ đồng; 78% người dân được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, với số tiền 41 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân khoảng 51 tỷ đồng. Bộ Công an phối hợp với Bộ LĐ - TB&XH thu thập 547 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ vào ngân hàng GEN.
Tại phiên họp, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã bấm nút công bố khai trương thí điểm Hệ thống điều phối dữ liệu y tế.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được trong công tác CĐS và thực hiện Đề án 06 từ trung ương đến cơ sở. Những kết quả đạt được được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC của công dân, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, hạn chế tiêu cực, tham nhũng vặt, tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được và có giải pháp khắc phục những hạn chế, rào cản, điểm nghẽn được chỉ ra. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CĐS và Đề án 06 đã đề ra, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo tinh thần 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ kết quả". Các bộ, ngành địa phương phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, lựa chọn nhiệm vụ, giải pháp phải có trọng tâm, trọng điểm, đột phá và có tính kế thừa, đổi mới và phát triển. Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CĐS, nhất là phát triển kinh tế số tới từng người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương cần lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của CĐS; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ CĐS mang lại. Các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ và hạ tầng số; đẩy mạnh CĐS trên hầu hết các lĩnh vực để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề CĐS quốc gia năm 2025: "Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế", góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 9 -10% trong năm 2025.