Doanh thu của kênh đào Suez giảm 64,3% do căng thẳng ở Biển Đỏ
Trong tháng qua, số lượng tàu quá cảnh qua kênh đào Suez đạt 1.111 tàu, giảm mạnh so với con số 2.396 tàu của cùng kỳ năm ngoái, tổng trọng tải cũng giảm 68,5%, xuống còn khoảng 44,9 triệu tấn.
Nhật báo Al Mal News dẫn các nguồn tin cho biết kênh đào Suez của Ai Cập chỉ ghi nhận mức doanh thu khoảng 337,8 triệu USD trong tháng 5/2024, giảm 64,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng qua, số lượng tàu quá cảnh qua kênh đào Suez đạt 1.111 tàu, giảm mạnh so với con số 2.396 tàu của cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh sự sụt giảm về lưu lượng tàu, tổng trọng tải cũng giảm 68,5% trong tháng 5/2024, xuống còn khoảng 44,9 triệu tấn.
Vào tháng 3/2024, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho hay doanh thu của kênh đào Suez trong quý 1 năm 024/ đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait hồi đầu tháng 5/2024 dự báo doanh thu của kênh đào Suez trong năm nay sẽ giảm gần 60% do căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ.
Ông Maait đã nêu bật tác động của các cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực đối với lạm phát, khiến hóa đơn nhập khẩu hàng tháng của Ai Cập tăng thêm khoảng 4 tỷ USD.
Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA), ông Osama Rabie ngày 13/5 nói rằng doanh thu của kênh đào này dự kiến sẽ đạt 9 tỷ USD trong tài khóa 2024-2025, bất chấp tác động tiêu cực từ các cuộc tấn công do lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ trong nhiều tháng qua.
Kênh đào Suez đã ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 9,4 tỷ USD trong tài khóa 2022-2023, trước khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu nổ ra vào ngày 7/10/2023, dẫn đến làn sóng tấn công vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ do lực lượng Houthi thực hiện.
Bất chấp những nỗ lực của liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi, lực lượng dân quân này người vẫn không ngừng tấn công các tàu ở Biển Đỏ.
Những căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến một số công ty vận tải chuyển hướng tàu của họ khỏi kênh đào Suez sang tuyến đường biển đắt đỏ hơn và dài hơn quanh mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.
Doanh thu từ kênh đào Suez là một trong những nguồn ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập, bên cạnh du lịch và kiều hối. Ai Cập đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng trong thời gian qua.
Tình trạng khó khăn về ngoại tệ đã dịu bớt nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ được rót vào Ai Cập trong thời gian gần đây.
Dự trữ ngoại hối của Ai Cập đã được củng cố nhờ thỏa thuận trị giá 35 tỷ USD mà nước này ký với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi tháng 2/2024 để phát triển khu vực Ras El-Hekma cũng như nguồn vốn vay từ các đối tác quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Ai Cập, dự trữ ngoại hối của nước này đã tăng lên mức kỷ lục mới là 46,125 tỷ USD vào tháng 5/2024./.