Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ B2C Việt Nam năm 2022 ước đạt hơn 16 tỷ USD

Theo Sách trắng Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2022 vừa được Bộ Công Thương công bố, doanh thu TMĐT bán lẻ B2C năm nay của Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên đạt cột mốc này.

Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, ấn phẩm Sách trắng TMĐTViệt Nam năm 2022 được xây dựng nhằm mang đến góc nhìn toàn diện về tình hình ứng dụng TMĐT Việt Nam dưới tác động của dịch bệnh trong bức tranh chung TMĐT toàn cầu năm 2022, cùng với các quy định pháp luật mới có hiệu lực.

Tương tự như những ấn phẩm được xuất bản trước đây, Sách trắng lần này được xây dựng từ kết quả điều tra gần 5.000 người tiêu dùng và khoảng 10.000 doanh nghiệp, cùng với số liệu tổng hợp từ một số tổ chức có uy tín trên thế giới.

Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022 được chia thành 5 chương. Trong đó, Chương I cập nhật chính sách pháp luật và tình hình quản lý TMĐT tại Việt Nam. Chương II nêu tổng quan tình hình TMĐT thế giới và khu vực Đông Nam Á. Chương III thông tin về người tiêu dùng tham gia TMĐT. Chương VI phản ánh tình hình ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp. Chương V đề cập tình hình hoạt động của các website, ứng dụng TMĐT.

TMĐTViệt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số: Năm 2021, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, TMĐT Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD năm 2021. Tỷ trọng doanh thu bán lẻ TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Bước sang năm 2022, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT chính thức có hiệu lực. Khung pháp lý cho hoạt động TMĐT ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.

Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022, doanh thu TMĐT bán lẻ B2C của Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ đạt 16,4 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên đạt cột mốc này.

Đến năm 2025, giá trị TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỷ USD, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng TMĐT trong khu vực Đông Nam Á.

Tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.

Ngoài ra, theo số liệu công bố tại Sách trắng TMĐTViệt Nam năm 2022, dự báo năm nay, nền kinh tế TMĐT của Việt Nam sẽ ghi nhận một số kỷ lục năm.

Cụ thể, theo ước tính lần đầu tiên số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 57 triệu người và có thể chạm mốc 60 triệu người. Số lượng mua sắm trực tuyến lần đầu đạt 260 – 285 USD/người. Tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C sẽ vượt mốc 7%, đạt từ 7,2% - 7,8% thị phần trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam.

Ở phạm vi toàn cầu, Sách trắng TMĐT Việt Nam 2022 dự báo doanh thu TMĐT bán lẻ năm 2022 sẽ đạt mức 5.545 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 12,7%. Dự báo đến năm 2025, con số này sẽ cán mốc 7.385 tỷ USD. Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ thị phần TMĐT lớn nhất thế giới (hơn 52%), tiếp sau là Mỹ (19%), Anh (4,8%), Nhật Bản (3%) và Hàn Quốc (2,5%). Dự báo doanh thu TMĐT B2C của Trung Quốc sẽ đạt gần 2.900 tỷ USD năm 2022 và đạt mức 3.786 tỷ USD vào năm 2025.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/doanh-thu-thuong-mai-dien-tu-ban-le-b2c-viet-nam-nam-2022-uoc-dat-hon-16-ty-usd/20220912033049723