Độc đáo Câu lạc bộ văn hóa Mường

Thực hiện Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, năm 2017, Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Thanh Sơn đã thành lập CLB văn hóa Mường nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống, giá trị văn hóa dân tộc như trang phục, nhạc cụ, công cụ lao động, các trò chơi truyền thống, phục dựng các bài dân ca và văn hóa ẩm thực dân tộc Mường…

Các thành viên CLB được tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng của người Mường.

Trường PTDTNT THCS huyện Thanh Sơn có tổng số 360 học sinh, trong đó 281 học sinh là người dân tộc Mường. Việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống của người Mường ngay từ trong trường học, các thế hệ học sinh luôn được lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo quan tâm. Nhà trường luôn xác định việc truyền dạy kiến thức và giáo dục tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh là hai nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần nâng cao giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, quảng bá nét độc đáo của người Mường Thanh Sơn.

Năm năm qua, CLB văn hóa Mường của nhà trường đã triển khai các hoạt động sưu tầm, bảo quản di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, hoạt động này diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 100% các thầy cô giáo, các em học sinh với các hình thức phong phú như sưu tầm, tạo dựng lại một số tiết mục dân ca Mường, các trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, kiến trúc nhà sàn, các di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường. Nhà trường luôn duy trì cho học sinh mặc trang phục truyền thống vào thứ hai hàng tuần và các buổi hoạt động ngoại khóa, các ngày lễ trong năm. Các em học sinh còn tham gia thi trang phục dân tộc Mường, thi hát dân ca Mường, thi diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa xênh tiền, trống đu, hát ví rang, dệt cửi…Em Hà Thị Dược ở xã Khả Cửu - học sinh lớp 9B cho biết: Em tham gia CLB văn hóa Mường từ năm học lớp sáu, việc thường xuyên trò chuyện bằng tiếng Mường giúp em luôn cảm thấy gần gũi như đang ở gia đình khi được tìm hiểu, tham gia các hoạt động văn hóa độc đáo cổ xưa của người Mường…

Nhà trường còn xây dựng các nhóm, đội theo từng lớp, từng thể loại như CLB đan lát truyền thống với 36 thành viên, CLB diễn tấu cồng chiêng với 24 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn vào các dịp lễ, hội của nhà trường, của huyện hay tham gia các buổi giao lưu văn hóa trong và ngoài huyện... tổ chức lồng ghép vào những buổi học ngoại khóa tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, truyền dạy những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của người Mường…

Cô giáo Đinh Thị Quỳnh Vân - phụ trách CLB cho biết: CLB văn hóa Mường của nhà trường là nơi tăng cường tình đoàn kết, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường huyện Thanh Sơn. CLB cũng góp phần truyền dạy những nét đẹp văn hóa Mường cho các thế hệ trẻ học tập, bảo tồn và giữ gìn; khơi gợi niềm tự hào, tinh thần hăng say học tập rèn luyện, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, đem kiến thức của mình xây dựng quê hương trong các em học sinh nhà trường…

Linh Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//dan-toc-ton-giao/doc-dao-cau-lac-bo-van-hoa-muong/188556.htm