Độc đáo 'đặc sản' văn hóa phi vật thể hát văn Nam Định
Là nơi phát tích và bảo lưu nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống với những làn điệu như hát xẩm, ca trù… nhưng hát văn mới được xem là loại hình diễn mang tính chất 'đặc sản' trong số các di sản văn hóa phi vật thể của Nam Định. Có thể nói, không có nơi nào ở Việt Nam, diễn xướng chầu văn lại phát triển mạnh như ở đây.
Nét văn hóa đặc sắc
Không chỉ được biết đến là nơi phát sinh, hội tụ của nhiều tín ngưỡng tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo… đặc biệt là tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Mẹ - Âm) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Cha- Dương), tỉnh Nam Định lâu nay nổi danh với việc là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, là cái nôi của nghệ thuật chầu văn. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách “Kiến văn tiểu lục” đã ghi rằng: “Thời Trần có lối hát trước mặt đế vương, gọi là hát Chầu”.
Nghi lễ chầu văn hay còn có các cách gọi khác như nghi lễ hát chầu văn và hầu bóng, hầu đồng, lên đồng, hầu bóng, hát văn hầu Thánh, bắc ghế hầu đồng, ngự đồng, loan giá ngự đồng… Được sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phát triển trong môi trường tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật chầu văn mang đậm phong cách âm nhạc vừa độc đáo, bản sắc lại vừa tích hợp được những giá trị của các hình thức âm nhạc dân gian khác.
Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Hầu hết các giá văn cổ của nghệ thuật hát chầu văn được lưu truyền trong dân gian đều ở thể thơ lục bát, song thất lục bát.
Chầu văn cổ truyền có không gian chính là ở các đền, phủ, miếu. Chầu văn cũng thường kết hợp với hầu bóng. Sở dĩ có việc này là bởi người xưa quan niệm đây là phương thức hữu hiệu để con người có thể giao tiếp với Mẫu, với các chư vị nhân thần để bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện.
Nghệ thuật hát chầu văn là việc vận dụng các làn điệu dân ca phối hợp với các bộ gõ, bộ dây. Riêng hát chầu văn Nam Định còn được biết đến với các làn điệu độc đáo như điệu cờn, điệu xá, điệu chèo đò mang đậm chất trữ tình, sâu lắng. Nét độc đáo của nghệ thuật chầu văn Nam Định là rất đa dạng hình thức biểu hiện như hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi.
Trong đó hát thờ thường được hát vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc thánh như ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa... và hát trước khi vào các giá văn lên đồng, còn gọi là hát văn công đồng. Ngoài ra tại một số di tích từ đường dòng họ cũng có hát thờ để ca ngợi công đức tổ tiên, bà Cô ông Mãnh....
Hình thức hát cửa đền thường gặp tại các đền phủ trong những ngày đầu xuân, ngày lễ hội. Các cung văn hát chầu văn phục vụ khách hành hương đi lễ. Thường thì cung văn sẽ hát văn về vị thánh thờ tại đền, và hát theo yêu cầu của khách hành hương. Nhiều khi lời ca tiếng hát được coi như một bài văn khấn nguyện cầu các mong ước của khách hành hương. Hình thức này thường diễn ra tại khu di tích đền Trần ở TP. Nam Định vì đây là nơi liên quan đến thờ Đức Thánh Trần.
Còn hát hầu được sử dụng trong nghi lễ chầu văn hầu bóng theo tín ngưỡng thờ Tam, Tứ phủ. Hát thi được tổ chức trong giới cung văn để tôn vinh, công nhận, xếp hạng và thưởng thức tài nghệ của cung văn.
Ở Nam Định, có nhiều vùng quê phát triển nghệ thuật chầu văn. Nhiều thế hệ cung văn nổi tiếng cũng đã xuất hiện từ những nơi này. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX đến nay, tại Nam Định đã phái sinh ra hình thức nghi lễ chầu văn được sân khấu hóa, phục dựng, biểu diễn trên sân khấu.
Từ trong các đền, phủ, với vai trò như một phương tiện nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh, chầu văn đã “chuyển mình” vào sân khấu, có sức sống lan tỏa trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Hát chầu văn tồn tại như một loại hình nghệ thuật dân ca truyền thống, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, non sông đất nước, quê hương tươi đẹp, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, thúc giục mọi người đồng lòng đứng lên đánh giặc… Về cơ bản, các bài hát văn có chất liệu và giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, được chắt lọc từ nghệ thuật chầu văn cổ truyền mang hơi thở và nhịp sống đương đại.
Mở đầu cho việc đưa hát văn lên sân khấu cũng như biểu diễn như những tác phẩm nghệ thuật độc lập ở tỉnh Nam Định phải kể đến nghệ sỹ ưu tú Kim Liên (huyện Nam Trực, Nam Định), Bà chính là người trực tiếp mang tiếng Hát văn phục vụ Hội Nghị Paris năm 1969; Nghệ sĩ ưu tú Thế Tuyền (huyện Xuân Trường, Nam Định) - diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định, một giọng Hát Văn được đông đảo quần chúng mến mộ yêu thích từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX.
Một mốc đáng kể trong hành trình từ phương tiện nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh tới sân khấu của hát văn là sự kiện Đoàn văn công Nam Định tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962 đã biểu diễn tiết mục hát văn “Nam Định quê tôi” và giành Huy chương Vàng. Kể từ đó, nghệ thuật hát chầu văn đã được truyền thêm sức sống mới và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các tiết mục hát văn do diễn viên độc tấu, song tấu, tam ca, tốp ca, tốp múa xuất hiện ngày càng nhiều các trên sân khấu ở trong và ngoài nước, được công chúng đón nhận.
Không những thế, hát văn cũng trở thành phương tiện nghệ thuật phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Qua giọng hát của các nghệ sỹ như Kim Liên, Thế Tuyền, Kim Ngân, nghệ thuật chầu văn và các tiết mục hát văn Nam Định như “Gái đảm Nam Hà”, “Mùa sen dâng Bác”, “Trẩy hội quê hương”, “Hoa dũng sỹ”, “Mừng Việt Nam đại thắng” ngày càng có sức lan tỏa trong công chúng.
Thổi hơi thở cuộc sống vào chầu văn
Không gian liên quan đến nghi lễ chầu văn của người Việt tại Nam Định có mặt ở tất cả 10 đơn vị hành chính của tỉnh. Theo một thống kê của ngành văn hóa Nam Định, trên địa bàn tỉnh có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần và liên quan đến nghi lễ chầu văn; trong đó quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ chầu văn tiêu biểu của Nam Định. Với sự phát triển của nghi lễ chầu văn, trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng có hàng trăm người trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ này, bao gồm cả những người hầu đồng và hát văn (cung văn), sử dụng nhạc cụ.
Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghi lễ chầu văn của người Việt Nam Định và Hà Nam là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chầu văn, tỉnh Nam Định cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đại diện cho các tỉnh, thành phố trong cả nước lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghi lễ chầu văn thường được tổ chức nhiều tại Nam Định vào 3 tháng đầu năm, đặc biệt là vào tháng 3 (Lễ hội Phủ Dầy) và tháng 8 (lễ hội Đức Thánh Trần). Tuy nhiên, tại một số di tích ở Nam Định như Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát (thuộc huyện Vụ Bản), Phủ Quảng Cung (ở huyện Ý Yên), Đền Bảo Lộc (Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (TP Nam Định)…, nghi lễ chầu văn diễn ra trong suốt cả năm. Tại những nơi này, một ngày có thể có tới 3 đến 4 vấn hầu.
Nghi lễ chầu văn cũng có khi diễn ra cả ngày lẫn đêm. Kể từ khi lễ hội tại quần thể di tích phủ Dày được khôi phục vào năm 1995, hội thi hát văn nơi đây được tổ chức và ngày càng phát triển., thu hút các cung văn mọi miền tham dự.
Cuộc thi không chỉ không chỉ mang đến sự đa dạng trong các sinh hoạt văn hóa của lễ hội, mà còn nhằm phát hiện những tài năng hát văn cũng như duy trì, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Có thể nói, không có nơi nào ở Việt Nam, diễn xướng chầu văn lại phát triển như ở Nam Định. Hình thức nghệ thuật này được phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân và được đông đảo quần chúng đón nhận. Nhiều người coi đây chínhh là cái “riêng”, là niềm tự hào của văn hóa thành Nam. Thời gian qua, các đơn vị nghệ thuật của tỉnh Nam Định và các tổ, đội văn nghệ quần chúng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn đang tích cực tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục hát văn và nghệ thuật chầu văn qua các giá đồng, tham dự các hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc đoạt nhiều giải thưởng cao.
Với giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo, cùng với những bước chuyển mình mạnh mẽ để hòa với thời cuộc, hát văn nay đã trở thành môn nghệ thuật độc đáo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; đồng thời cũng là cách để nghệ thuật hát văn có thể duy trì được sức sống và phát triển ngày càng mạnh mẽ.