Độc đáo làng nghề làm nón lá Đào Khê

Làng nghề làm nón lá Đào Khê, xã Nghĩa Châu (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) được duy trì, phát triển từ lâu đời. Chiếc nón lá được làm thủ công từ bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân nơi đây không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường các tỉnh, thành phố khác; đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương...

Chiếc nón lá được làm từ bàn tay khéo léo của người dân Đào Khê, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Chiếc nón lá được làm từ bàn tay khéo léo của người dân Đào Khê, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Làng Đào Khê trước kia nay là hai làng Đào Khê Thượng và Đào Khê Hạ. Những người cao niên trong làng không nhớ chính xác nghề làm nón lá có từ khi nào, chỉ biết nghề này đã được trao truyền, phát triển qua nhiều thế hệ và đến nay vẫn được duy trì, phát triển mạnh với hàng trăm hộ dân.

Người trong làng kể rằng, xưa kia có cụ Phàn - một người con của làng đi lấy nón lá ở làng Chuông (Hà Nội) về bán cho người dân ở quê dùng. Lâu dần, cụ Phàn vừa buôn bán vừa kết nối, mời những người thợ của làng Chuông về dạy nghề làm nón lá cho dân làng Đào Khê.

Nghề làm nón lá ở Đào Khê khi xưa phát triển mạnh, bởi với cư dân nông nghiệp chiếc nón là vật dụng không thể thiếu trong đời sống. Từ làng Đào Khê, nghề làm nón lá được người dân nhân rộng ra cả xã Nghĩa Châu nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho nhân dân.

Dọc theo các con ngõ trong xã vào những ngày trời tạnh ráo, dưới những tán cây trong làng, đông đảo người già, trẻ nhỏ tập trung thành từng nhóm ngồi khâu nón, trò chuyện. Với nhiều người dân địa phương, nghề làm nón lá không chỉ giúp họ có thêm thu nhập mà còn là niềm vui, hạnh phúc khi được góp sức bảo tồn, phát triển, trao truyền nghề truyền thống cho thế hệ sau...

Người dân Đào Khê, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định phát triển nghề làm nón lá.

Người dân Đào Khê, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định phát triển nghề làm nón lá.

Bà Ngô Thị Mừng (làng Đào Khê Thượng) dù năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt khâu nón. Bà Mừng chia sẻ, với bà và nhiều người dân nơi đây làm nón lá là một thú vui, đồng thời cũng là trách nhiệm của thế hệ đi trước trong việc giữ lửa nghề cho thế hệ sau.

Theo người dân làng nghề, làm nón lá có nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ vì để hoàn thiện một chiếc nón lá khá tốn thời gian, công sức. Người làm nón ngoài tay nghề cao, có kinh nghiệm còn phải tâm huyết với nghề và có tính nhẫn nại mới có thể tạo ra một chiếc nón đẹp.

Để làm nón, từ sáng sớm, các bà, các chị trong xóm đã tới chợ Đào Khê lựa lá cọ, chọn những thanh tre không non, không già về vót vành nón. Lá làm nón có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra chiếc nón bền, đẹp. Do đó, người dân Đào Khê thường chọn lá cọ Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Lá mua về được phơi vài nắng, sau đó vuốt cho thẳng mới có thể dùng làm nón.

Làm vành nón được nhiều người xem là khâu khó hơn cả bởi phải vót thanh tre sao cho tròn, đều, uốn vành thật cân, hài hòa. Mỗi chiếc nón có 16 vành. Ngoài ra, công đoạn khâu nón cũng đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề cao... Bà Vũ Thị Đượm (làng Đào Khê Thượng) được xem là người có mũi khâu nón đẹp nhất làng. Chiếc nón lá do bà Đượm khâu rất đẹp nên luôn bán được giá cao hơn. Bà Đượm cho hay, bà làm nón từ khi còn nhỏ. Làm nhiều rồi tự ngắm, điều chỉnh mũi kim, đường may của mình. Mũi kim nhỏ, khoảng cách các mũi đều nhau sẽ cho ra tổng thể chiếc nón đẹp.

Người dân Đào Khê, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định phát triển nghề làm nón lá.

Người dân Đào Khê, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định phát triển nghề làm nón lá.

Trung bình mỗi người làm được từ 1 - 2 chiếc nón/ngày. Giá bán mỗi chiếc nón lá dao động từ 50.000 - 100.000 đồng. Chiếc nón lá ngoài việc che nắng, che mưa còn tôn lên vẻ đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người làng nghề làm nón lá Đào Khê đã tạo thêm nhiều mẫu mã mới, bắt mắt theo nhu cầu của khách hàng.

Theo thống kê của xã Nghĩa Châu, làng Đào Khê Thượng có 342 hộ dân thì có trên 80% hộ làm nón lá thường xuyên. Ước tính mỗi năm, số lượng nón lá làng Đào Khê Thượng bán ra thị trường lên tới 100.000 chiếc, cho doanh thu khoảng 4 tỷ đồng. Trong làng hiện có 5 cơ sở thu mua nón lá tiêu thụ tại các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng...

Bà Nguyễn Thị Vải (chủ cơ sở thu mua nón lá ở làng Đào Khê Thượng) cho biết, thường vào những tháng đầu năm, nhu cầu mua nón tăng cao hơn. Do đó, việc tiêu thụ nón thuận lợi hơn những tháng cuối năm. Ước tính mỗi tháng, gia đình bà xuất đi khoảng 3.000 chiếc nón lá.

Người dân Đào Khê, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định duy trì và phát triển nghề làm nón lá.

Người dân Đào Khê, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định duy trì và phát triển nghề làm nón lá.

Theo bà Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Châu, ở làng nghề nhiều người biết làm nón lá, song chị em làm đẹp hơn. Đây là nghề phù hợp với các hội viên, giúp các gia đình có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Hội Phụ nữ khuyến khích hội viên gìn giữ, mở rộng, phát triển nghề làm nón lá để tăng số lượng nón lá xuất bán mỗi năm, tạo việc làm, thu nhập cho gia đình. Thông qua các hội chợ thương mại, Hội đã mang sản phẩm nón lá Đào Khê đi giới thiệu, kết nối tiêu thụ giúp cho người dân.

Hội Phụ nữ đã đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu nón lá Đào Khê - Nghĩa Châu gắn với phát triển mô hình du lịch tham quan, trải nghiệm nghề làm nón lá...

Bài và ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doc-dao-lang-nghe-lam-non-la-dao-khe-20240823121808661.htm