Độc đáo Lễ hội Cúng thần rừng, cúng thần núi của dân tộc Cơ Tu
Lễ hội Tấc Giàng Ka Coong, Tấc Giàng Xứ (Cúng thần núi, Cúng thần rừng) của dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới, TP Huế vừa được tái hiện trong khuôn khổ tổ chức các hoạt động tháng 5 với chủ đề 'Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam' tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Lễ hội Tấc Giàng Ka Coong, Tấc Giàng Xứ (Cúng thần núi, Cúng thần rừng) của dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới, TP Huế là một trong những Lễ hội quan trọng và đặc sắc nhất, thường diễn ra sau 3 hoặc 5 năm khi thường xuyên xảy ra những điều bất lợi như mất mùa, còn cháu ốm đau, bị tai ương trong rừng.
Lễ hội sẽ được tổ chức, với ý nghĩa để tạ ơn thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối đã cho con cháu, làng bản sản vật, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung túc đủ đầy, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an;
Cầu mong các Giàng, các vị thần linh: thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối tiếp tục phù hộ độ trì con cháu vào rừng săn bắt hái lượm an toàn, phù hộ làng bản sung túc hơn, mùa màng bội thu hơn, sức khỏe bình an. Từ nay con cháu sẽ hòa thuận, lên rừng xuống suối không nói tục, không cải nhau, giữ gìn cánh rừng thiêng.


Dân làng chuẩn bị lễ vật cho lễ Cúng thần rừng, cúng thần núi

Trưởng làng đến từng gia đình trong làng, mời đến họp bàn công tác tổ chức Lễ hội



Trưởng làng, Trưởng họ mời đông đủ con cháu tập trung tại nhà trưởng làng, Trưởng họ tiến hành nghi thức A Xa A Rah đu mộp (nghi lễ tẩy rửa) những điều nhơ bẩn, ô uế, con cháu trong làng vô tình gây ra. Trưởng làng cầm con gà, vừa đọc lời cúng, sau đó tất cả con cháu cầm con gà để con gà mang theo điều bẩn ra khỏi cơ thể, ra khỏi bản làng. Con gà này tuyệt đối không được ăn. Sau khi cúng già làng cầm con gà ném xa sau nhà

Trưởng làng lại làm nghi thức Lễ tấc đu lạu (tạm dịch là Cúng sạch)


Dân làng chuẩn bị làm Nêu và Bông Nêu. Cây Nêu phải chọn cây vững chãi, Bông Nêu phải vót thật đẹp, mịn để thể hiện sự tôn kính với các vị Giàng

Thanh niên trai tráng buộc dê vào cột Nêu. Đây là linh vật chính dành cho lễ hội Tấc Ka Coong,Tấc Giàng Xứ mà con cháu làng bản người Cơ Tu dâng lên thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối. Cầu mong đầu linh vật ôm lấy cây nêu, che chở, bao bọc con cháu làng bản. Cầu cho vết lao hướng lên trời, cho con cháu làng bản được trong sáng, minh bạch, đoàn kết một lòng, mang lại điều suôn sẻ may mắn”


Sau khi buộc lễ vật là nghi thức đâm lễ vật. Để thể hiện tình đoàn kết tất cả mọi người, già trẻ gái trai đều tham gia nghi thức đâm lễ vật, nữ múa điệu da dã, nam múa điệu trống, cùng nhau hô vang và múa 3 hoặc 5 vòng quanh cây Nêu


Lễ vật đã chín được đặt trên Pa Ra linh thiêng, uy nghi, kính dâng Giàng

Du khách được mời chung vui với lễ hội cùng hòa theo tiếng chiêng, nhịp trống, vũ điệu Tân tung da dã nhịp nhàng uyển chuyển, cất lên lời ca nha nhim, ba boch chúc tụng nhau, gửi trao nhau những ánh mắt nụ cười thân thương gắn bó tình làng nghĩa bản “Sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”