Độc đáo Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 sẽ diễn ra ngày 25-27/11. Lễ hội nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc Khmer.

Lễ hội Oóc Om Bóc nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer

Vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, những phum, sóc của đồng bào Khmer ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long lại rộn rịp vào mùa Oóc Om Bóc - lễ cúng trăng. Theo quan niệm của đồng bào Khmer Nam Bộ, mặt trăng là vị thần cai quản mùa màng. Sau mỗi vụ mùa sản xuất, cần làm lễ cúng trăng để tạ ơn một năm mưa thuận gió hòa, thu hoạch tốt, nhà nhà trong phum, sóc ấm no, hạnh phúc. Trong tiếng Khmer, “Oóc” nghĩa là đút, nuốt hay đút cho ăn; còn “Om Bóc” là cốm dẹp. Lễ hội Oóc Om Bóc là lễ hội “Đút cốm dẹp”, hay lễ cúng trăng. Với đồng bào Khmer, cốm dẹp là loại lễ vật quan trọng nhất, không thể thiếu khi dâng cúng lên thần mặt trăng bên cạnh các loại hoa quả, đặc sản khác do chính người nông dân Khmer làm ra. Khi vầng trăng non trong tháng vừa xuất hiện, từng tốp nam thanh, nữ tú trong phum, sóc thức dậy từ giữa đêm khuya để giã cốm dẹp. Những âm thanh hối hả, nhịp nhàng của nhịp giã chày đôi càng làm cho mùa lễ hội đến nhanh hơn, ai nấy đều nức lòng mong đợi.

Theo đó, đua ghe Ngo là phần hấp dẫn nhất trong lễ hội Ook Om Bok, đây là hoạt động rước đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Với đồng bào Khmer, ghe Ngo được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tình đoàn kết và sức mạnh phum sóc. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa làm, có một biểu tượng riêng. Việc chọn biểu tượng ghe Ngo liên quan đến địa danh, hay quan niệm truyền thống của mỗi chùa. Biểu tượng ghe đại diện cho một tổ chức, thể hiện quyền uy của chiếc ghe.

Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer đã trở thành một ngày hội lớn để mọi người vui chơi, tranh đua tài nghệ, sức mạnh với nhau, là một nét đặc trưng văn hóa của vùng sông nước miền Tây cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển.

Năm 2005, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo được tổ chức Guinness trao quyết định và bằng công nhận là tỉnh có số lượng ghe và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công nhận Lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, vừa giáo dục giới trẻ về lối sống tích cực của người Khmer.

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo 2023

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 25-27/11. Trong khuôn khổ Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, xúc tiến thương mại như: giải đua ghe Ngo; tổ chức Lễ Cúng Trăng; trình diễn Lôiprotip (Thả Đèn nước) và ghe Cà Hâu; hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền và hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng năm 2023; Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” lần thứ V năm 2023; Triển lãm ảnh nghệ thuật; Liên hoan tiếng hát Truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ......

Tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 cũng diễn ra Lễ công bố xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam đối với Bức tranh lớn nhất Việt Nam làm từ Gạo ST vào 8h sáng ngày 25/11 tại công viên 30/4 (Gạo ST25 đã đoạt giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2019).

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, Lễ hội sẽ thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, theo dõi. Các nội dung chính của Lễ hội sẽ thể hiện sự độc đáo, mang đậm bản sắc, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng...

Lễ hội tổ chức nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là trong hoạt động văn hóa Lễ hội. Lễ hội còn đáp ứng tâm tư nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Đồng thời cũng góp phần thực hiện Dự án 6 về bảo tồn, phát hy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030.

Các hoạt động của lễ hội nhằm đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng, thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động du lịch.

Duy Chung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-le-hoi-ooc-om-boc--dua-ghe-ngo-tinh-soc-trang-nam-2023-post272191.html